Các tổ chức tôn giáo ở nước ta đã xây dựng được một lực lượng chức sắc, chức việc và những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp đông đảo với khoảng gần 60 nghìn chức sắc (Phật giáo có khoảng 45.000 chức sắc, Công giáo: 15.000 chức sắc, Cao Đài: 8.000 chức sắc, Tin Lành: 405 chức sắc, Hồi giáo: 600 chức sắc...), khoảng trên 200.000 chức việc là tín đồ hoạt động tôn giáo không chuyên nghiệp ở cơ sở của các tôn giáo. Số chức sắc, chức việc này là lực lượng lãnh đạo các tổ chức tôn giáo như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam với 63/63 Ban Trị sự Phật giáo cấp tỉnh; Giáo hội Công giáo Việt Nam với 25 Giáo phận Công giáo; Đạo Cao Đài với 10 Hội thánh Cao Đài, Đạo Tin Lành với 10 hệ phái; Hồi giáo với các Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Ninh Thuận… có tiếng nói rất quan trọng đối với lực lượng tín đồ trong tôn giáo của mình.
Các tôn giáo ở nước ta có mối quan hệ quốc tế rộng rãi như: Giáo hội Công giáo Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ về mặt tổ chức và là một bộ phận của Giáo hội Công giáo hoàn vũ dưới sự lãnh đạo của Giáo triều Vatican (Công giáo thế giới với khoảng 1,15 tỷ tín đồ ở 180 quốc gia); Các hệ phái Tin Lành ở Việt Nam đều có nguồn gốc từ Tin Lành ở nước ngoài, nhất là Tin Lành Mỹ, Tin Lành Tây Âu, Bắc Âu và Tin Lành Hàn Quốc (Tin Lành thế giới hiện có 550 triệu tín đồ ở hơn 100 quốc gia); Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong mối quan hệ với Phật giáo thế giới nhất là Phật giáo các nước láng giềng như: Phật giáo Ấn Độ, Phật giáo Campuchia, Phật giáo Lào, Phật giáo Trung Quốc (Phật giáo thế giới có khoảng 350 triệu tín đồ, chủ yếu ở châu Á); Hồi giáo Việt Nam trong mối quan hệ với tôn giáo thế giới, nhất là Hồi giáo khu vực Đông Nam Á, một trong những khu vực tôn giáo đông nhất thế giới (Hồi giáo thế giới khoảng 1,3 tỷ tín đồ ở 50 quốc gia, trong đó Đông Nam Á là một trong những khu vực Hồi giáo lớn nhất)…
Ngoài những mối quan hệ nói trên, trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế còn có khoảng 140 tổ chức tôn giáo chưa được công nhận tư cách pháp nhân với khoảng 1 triệu tín đồ. Hàng năm, Việt Nam còn có gần 13.000 lễ hội, gồm 5 loại: lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài, lễ hội văn hóa - thể thao và ngành nghề1.
Khái quát vài nét về các tôn giáo, tín ngưỡng ở nước ta trên đây để nhận thấy vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam là vấn đề chiến lược rất quan trọng trong việc tập hợp, đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và sự tập hợp, đoàn kết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ xây dựng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thời kỳ đẩy mạnh công cuộc hội nhập khu vực và quốc tế; thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; vừa hợp tác vừa đấu tranh; kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, "dĩ bất biến ứng vạn biến"; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật thích hợp trong từng giai đoạn, hoàn cảnh và điều kiện mới, nhất là trong thời kỳ đất nước ta mở cửa, hội nhập khu vực và quốc tế để tập hợp, đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực ngày 1/1/2018 và Nghị định 162/2017/NĐ-CP đã quy định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật… cấm phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng tôn giáo”.
Thực hiện chính sách nhất quán tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo được quy định trong hệ thống chính trị các cấp từ Trung ương đến cơ sở đã tạo điều kiện giúp đỡ các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và luôn chú trọng phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc trong các tổ chức tôn giáo, vận động tín đồ tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự ở các địa phương, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tổ quốc ta để thực sự có được vị thế, uy tín của đất nước như ngày nay là do sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trong đó, tập hợp hơn 27 triệu chức sắc, tín đồ của các tôn giáo trên cơ sở thực hiện nhất quán quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân.
Tuy nhiên, do mặt trái của toàn cầu hóa và cơ chế thị trường, âm mưu “chính trị hóa tôn giáo” của các thế lực thù địch trong và ngoài nước nhằm lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền để tập hợp quần chúng làm “ngòi nổ” chống phá cách mạng nước ta trong âm mưu "diễn biến hoà bình" “Bạo loạn, lật đổ” thực hiện “cách mạng hoa hồng”, “cách mạng đường phố”… Trong 5 năm qua (từ 2017 - 2022), Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn định kỳ ra báo cáo thường niên về tự do tôn giáo toàn cầu. Cơ quan này tự cho mình có quyền đánh giá, “phán xét” về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo của Việt Nam và một số quốc gia khác và thường xuyên chủ quan nhận định thông tin một chiều với sự áp đặt thiếu khách quan thông qua những tổ chức phản động lưu vong, số đối tượng cực đoan, chống đối trong tôn giáo ở trong và ngoài nước, bất mãn với chế độ, định kiến với Đảng, Nhà nước Việt Nam để làm dẫn chứng, căn cứ trong báo cáo tổng hợp đánh giá tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam với những nhận định thiếu khách quan, cổ súy, khuyến khích cho một số đối tượng với cái gọi là “chức sắc tôn giáo” hoạt động cho tự do tôn giáo, thúc đẩy các hoạt động “tà đạo, đạo lạ”, mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục, trái pháp luật, đi ngược lại lợi ích của tôn giáo và xã hội, gây bức xúc trong Nhân dân, chống đối lại chính quyền nhân dân.
Với âm mưu muốn nhân quyền cao hơn chính quyền, giáo quyền cao hơn luật pháp, giáo dân chống đối chính quyền… một bộ phận số ít chức sắc, tín đồ tôn giáo của một số tôn giáo đã tuyên truyền, vận động tín đồ nhằm kích động chống đối, xuyên tạc quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, can thiệp vào nội bộ của tổ chức tôn giáo, chia rẽ, kính động chức sắc và các tín đồ tôn giáo với chiêu bài “các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận pháp nhân là tổ chức tôn giáo quốc doanh”; đồng thời lợi dụng mạng xã hội xuyên tạc Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam là “bước thụt lùi”, “bóp nghẹt tôn giáo”, “không phù hợp với công ước quốc tế về quyền con người”…
Một bộ phận nghị sĩ và giới chức lãnh đạo Hoa Kỳ không thân thiện với Việt Nam đã âm mưu hối thúc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại “Danh sách nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo” (CPC) và “gây sức ép và hối thúc Việt Nam cho phép tất cả các nhóm, phái tôn giáo chưa được công nhận hoạt động một cách tự do không cần đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung theo quy định tại Điều 16, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo hoặc không cần đăng ký để được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo theo quy định tại các Điều 17, 18, 19 và 20 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; giảm can thiệp của chính quyền vào các công việc nội bộ của các nhóm tôn giáo đã được công nhận”…
Với những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tự do, tín ngưỡng để phá hoại khối đại đoàn kết giữa các tôn giáo, chứng minh rõ ràng các thủ đoạn lợi dụng của các thế lực thù địch với các vấn đề, thủ đoạn như: Lợi dụng những vướng mắc trong việc thực hiện chính sách tôn giáo ở cơ sở, từ đó thổi phồng để xuyên tạc tình hình tôn giáo trong nước vu khống nhà nước vi phạm tự do tôn giáo, vi phạm nhân quyền.
Những vướng mắc ở cơ sở thường liên quan đến sinh hoạt tôn giáo của tín đồ, hoạt động của chức sắc, đến những vấn đề do lịch sử để lại liên quan đến đất đai, cơ sở tôn giáo và gần đây là việc giải quyết vấn đề truyền đạo và theo đạo Tin Lành, Công giáo ở các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc... Lợi dụng các phương tiện truyền thông như: Báo chí, Đài truyền thanh, Đài truyền hình, băng đĩa, sách, các mạng xã hội và các diễn đàn quốc tế, kể cả những lĩnh vực không liên quan đến tôn giáo để vu khống, xuyên tạc, cô lập ta trên trường quốc tế. Tìm cách xây dựng và nuôi dưỡng những phần tử cầm đầu bất mãn, ly khai hoặc có thái độ chính trị xấu, thông qua đó gây dựng “ngọn cờ” và gom lại số tín đồ, chức sắc bất mãn và những phần tử phản động chống đối chế độ để hình thành lực lượng chống đối “núp bóng” các tôn giáo ở trong nước và ngoài nước. Điển hình như trong Phật giáo dựng “ngọn cờ” với những hoạt động phục hồi Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất; Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo, Cao Đài…
Đặc biệt, các thế lực thù địch đã dựng “ngọn cờ” trong đạo Tin Lành gắn giữa yếu tố dân tộc gắn với tôn giáo để dựng lên các tổ chức phản động chống phá sự đoàn kết giữa các dân tộc như đã dựng tên phản động Kso Kơsk lưu vong nhằm phục hồi tổ chức phản động Fulrô, hình thành cái gọi là “nhà nước Tin Lành Đêga độc lập” và “Hội thánh Tin Lành Đêga” ở Tây Nguyên nhằm chia rẽ các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước… Lợi dụng thời kỳ sau chiến tranh lạnh, thế giới đơn cực, một số thế lực cực hữu trong Quốc hội, Chính phủ Mỹ và các nước phương Tây đã đơn phương tạo ra thế pháp lý riêng để đe doạ và lấy cớ can thiệp vào vấn đề tôn giáo ở Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Bộ Ngoại giao Mỹ dựa vào những báo cáo phiến diện, một chiều về tình hình tôn giáo ở Việt Nam để đưa Việt Nam vào những nước vi phạm quyền tự do tôn giáo trong báo cáo nhân quyền hàng năm của Mỹ như đã nêu trên.
Để giải quyết tốt mối quan hệ tôn giáo ở nước ta trong mối quan hệ đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết giữa đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo với đồng bào không có tín ngưỡng, tôn giáo; đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo ở trong nước với đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ngoài và mối quan hệ đồng đạo trong và ngoài nước... trên cơ sở đồng hành với dân tộc trong công cuộc xây dựng chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ quốc gia là công tác có tính chất chiến lược.
Vấn đề nhận thức và xử lý hài hoà mối quan hệ về tôn giáo ở nước ta hiện nay cần phải có sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của các cấp ủy Đảng nhằm xử lý mối quan hệ hài hoà, gắn bó giữa khoảng gần 100 triệu đồng bào theo đạo và đồng bào không theo đạo cùng đồng tâm, đồng lực, đoàn kết gắn bó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, thực hiện công tác quản lý nhà nước về tôn giáo phải dựa trên quan điểm lịch sử khoa học, nhận thức toàn diện căn nguyên lịch sử sâu xa, căn nguyên xã hội, căn nguyên tâm lý phát sinh và sự tồn tại của tôn giáo, nhận thức toàn diện hiện tượng xã hội tôn giáo có ảnh hưởng tương đối lớn đối với một bộ phận quần chúng nhân dân để tìm mẫu số chung xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trải qua gần 40 năm đổi mới, cải cách, mở cửa để hội nhập với quốc tế, xã hội nước ta đã có sự thay đổi về cơ cấu đoàn kết xã hội và lợi ích xã hội thay đổi phức tạp, quan niệm tư tưởng của Nhân dân ngày càng có xu hướng đa dạng, một số người tìm kiếm sự an ủi tâm lý từ trong tôn giáo... ảnh hưởng của tôn giáo trong đời sống của một bộ phận Nhân dân ngày càng tăng lên. Cùng với sự phát triển của các tôn giáo, các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo trong và ngoài nước đang tìm mọi cách can thiệp sâu hơn vào đời sống chính trị ở nước ta và đã gây ra một số các “điểm nóng” ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại một số địa phương.
Trong một mức độ nhất định, sự can thiệp của các thế lực thù địch đã làm cho tính phức tạp của vấn đề tôn giáo nổi cộm. Trong điều kiện tương đối phức tạp này, nhất định phải nắm chắc và xử lý đúng đắn vấn đề tôn giáo, vừa không thể dùng thủ đoạn hành chính để chèn ép tôn giáo, đồng thời cũng không thể từ bỏ vai trò quản lý đối với các hoạt động của tôn giáo mà cần phải tăng cường làm tốt công tác tôn giáo của Đảng, đoàn kết chặt chẽ phần lớn những người theo tôn giáo xung quanh Đảng và chính quyền, cùng phấn đấu vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh". Đối với công tác tôn giáo trong tình hình hiện nay, thiết nghĩ hệ thống chính trị các cấp cần thực hiện các nhiệm vụ sau:
1. Phải thực hiện đúng đắn và toàn diện chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước là "Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của quần chúng nhân dân". Đây là một chính sách cơ bản và lâu dài của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng là quyền lợi cơ bản mà Hiến pháp đã dành cho mỗi công dân. Phải kiên trì thống nhất giữa nghĩa vụ và quyền lợi, tăng cường công tác chính trị, tư tưởng đối với chức sắc, tín đồ theo các tôn giáo, tăng cường tiến hành tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa xã hội, pháp luật và đạo đức công dân; phổ cập tri thức văn hoá và khoa học kỹ thuật, đặc biệt là tri thức khoa học hiện đại để đồng bào theo các tôn giáo ngày càng có nhiều cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
2. Phải kiên trì thực hiện quản lý tôn giáo theo pháp luật. Hoạt động tôn giáo là hoạt động liên quan và ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, chắc chắn sẽ liên quan tới lợi ích chung của xã hội và lợi ích quốc gia. Do đó, mọi hoạt động của các tổ chức tôn giáo cần phải quản lý theo pháp luật, kiên quyết xử lý các đối tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo đảm hoạt động tôn giáo được tiến hành một cách có trật tự. Tôn giáo cần phải hoạt động trong phạm vi của Hiến pháp và pháp luật, hoạt động tôn giáo không được can dự vào quá trình thực thi của các cơ quan chức năng của quốc gia như: hành chính, tư pháp và giáo dục, không cản trở trật tự xã hội, trật tự công cộng và sinh hoạt bình thường của Nhân dân.
3. Tạo điều kiện, giúp đỡ các tổ chức tôn giáo trong nước giao lưu, mở rộng hoạt động đối ngoại với các tổ chức tôn giáo trên thế giới; cổ vũ và ủng hộ các tổ chức tôn giáo tiến hành giao lưu đối ngoại và tuyên truyền đối ngoại trên cơ sở chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là: Độc lập, tự chủ, bình đẳng, hữu nghị, để đem lại sự hiểu biết và ủng hộ ngày càng lớn của các nước trên thế giới về sự đúng đắn của chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời cũng là sự bảo đảm quan trọng để các tổ chức tôn giáo và tín đồ các tôn giáo không chịu sự chi phối và khống chế của thế lực bên ngoài. Cần tạo điều kiện giúp đỡ và ủng hộ các tổ chức tôn giáo phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp theo giáo lý của mỗi tổ chức tôn giáo nhằm động viên tín đồ các tôn giáo tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Coi trọng và bảo đảm quyền lãnh đạo của những người đứng đầu các tổ chức tôn giáo thuộc về các chức sắc yêu nước, yêu tôn giáo.
4. Phải tích cực định hướng và giúp đỡ tôn giáo thích ứng với xã hội xã hội chủ nghĩa. Vì xã hội xã hội chủ nghĩa không phải là giáo điều, cứng nhắc, xa lạ với lợi ích vật chất và tinh thần của con người. Xã hội xã hội chủ nghĩa hết sức cụ thể và thiết thực: "Chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời sống hạnh phúc"2. Cổ vũ và ủng hộ các tổ chức tôn giáo phát huy truyền thống tốt đẹp yêu nước, yêu tôn giáo, đoàn kết tiến bộ, phục vụ xã hội, ủng hộ họ đưa ra nhiều cống hiến vì sự nghiệp đoàn kết dân tộc, phát triển kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội, giữ vững sự độc lập, thống nhất đất nước.
Giúp đỡ, ủng hộ các tổ chức tôn giáo đưa ra sự lý giải đối với giáo lý tôn giáo phù hợp với yêu cầu tiến bộ xã hội, giúp họ tăng cường sự hiểu biết của quần chúng theo tôn giáo đối với Đảng và Chính phủ, ủng hộ các tôn giáo tham gia phản đối và ngăn chặn các thế lực lợi dụng tôn giáo để tiến hành hoạt động phi pháp gây nguy hại đối với Tổ quốc và lợi ích của Nhân dân, cảnh giác và phòng ngừa âm mưu của các thế lực thù địch trong nước và quốc tế thực hiện chiến lược "Diễn biến hoà bình" để chia rẽ Nhân dân với Đảng và Nhà nước, lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tiến hành xâm nhập vào nước ta. Trong thời kỳ hội nhập, tăng cường quan hệ quốc tế, chúng ta càng cần phải cảnh giác ngăn chặn sự thâm nhập của các tổ chức, cá nhân lợi dụng tôn giáo kích động đồng bào tôn giáo chống đối chính quyền và chế độ.
Chú thích:
1. Báo cáo Tổng kết của Ban Tôn giáo Chính phủ năm 2021.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, tr.17.
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.
3. Nghị quyết số 43 ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
4. Kết luận số 02/KL-ĐCT ngày 29/12/2015 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tôn giáo.
5. Tìm hiểu về các tôn giáo ở nước ta hiện nay và công tác vận động, đoàn kết, phát huy vai trò của tôn giáo tham gia các hoạt động xã hội, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2022.
6. Ban Tôn giáo Chính phủ, (2022): Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2022.
Tác giả bài viết: NGUYỄN HỮU DŨNG - Tiến sĩ, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Ý kiến bạn đọc