Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp công nghệ nói riêng.
Nghị quyết 68 đặt mục tiêu đến năm 2030 trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Việt Nam thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân bằng nhiều chính sách hỗ trợ…
Cụ thể, đối với lĩnh vực khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo, nghị quyết nêu rõ việc ban hành khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với công nghệ mới, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) tư nhân tham gia nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, dữ liệu lớn, thương mại điện tử, công nghệ tài chính, y tế thông minh...; có chính sách miễn, giảm thuế thu nhập DN cho các DN khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo kể từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập DN phải nộp. Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập DN cho các cá nhân, tổ chức đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp, quyền góp vốn vào DN khởi nghiệp sáng tạo. Miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại DN khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo, các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; ưu tiên nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo phục vụ ươm tạo phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển và chuyển giao các công nghệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp…
Theo ông Lê Việt Thắng - Giám đốc Công ty Cổ phần 1Office, thời gian qua cơ chế tiếp cận các ưu đãi của DN công nghệ còn rất hạn chế. Ông Thắng lấy ví dụ, chỉ riêng 1Office, mỗi năm, doanh thu tái ký đạt 60 - 70 tỷ đồng, nhưng chưa từng vay được đồng vốn ưu đãi nào từ ngân hàng. Trong khi đó, các tòa nhà bất động sản có doanh thu tương đương thì được vay rất dễ dàng. Điều đó cho thấy sự bất cập trong cơ chế tiếp cận vốn của DN công nghệ. Do đó, ông Thắng rất kỳ vọng vào sự đổi mới, hiệu quả thực thi của Nghị quyết 68-NQ/TW. Theo ông, đừng rót vài chục tỷ đồng cho các chương trình đào tạo chung chung mà chuyển phần đó thành ngân sách mua phần mềm Việt tặng DN, giúp họ quản trị tốt hơn, chuyển đổi số hiệu quả hơn.
Nói về những bất cập trong thời gian qua, ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn NextTech cho rằng, dù nhiều giai đoạn trước đây đã có chính sách khuyến khích các star-up phát triển nhưng lại thay đổi qua các thời kỳ. Ví dụ như thị trường fintech (một thị trường nơi các công ty sử dụng công nghệ để cung cấp các dịch vụ tài chính mới, thường cải tiến hoặc thay thế các phương thức truyền thống) giai đoạn 2008-2009 còn khá lạ lẫm, mới mẻ, lúc đó chính sách khá cởi mở, sẵn sàng cấp phép thử nghiệm. Nhưng từ năm 2015 lại thay đổi, phải có luật, phải ban hành nghị định, rồi mới cho thử nghiệm. Từ đó đặt ra nhu cầu xây dựng cơ chế thử nghiệm (sandbox). “Tuy nhiên mất 8 năm mới ban hành thì start-up không thể chờ nổi. Đến khi sandbox chính thức ra đời thì hầu hết start-up tiên phong đã không còn tồn tại và mất cơ hội”- ông Bình chia sẻ và từ đó bày tỏ kỳ vọng vào hiệu quả thực thi của Nghị quyết 68.
Đánh giá về Nghị quyết 68-NQ/TW, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ CMC cho rằng, Nghị quyết 68-NQ/TW là một bước đột phá về nhận thức, khi lần đầu tiên, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định rõ ràng và dứt khoát. “Nếu triển khai được đầy đủ những nội dung trong Nghị quyết 68 tôi tin là phần lớn điểm nghẽn sẽ được tháo gỡ. Sẽ có một không khí, một tinh thần phát triển mới cho DN công nghệ nói riêng và cộng đồng DN tư nhân nói chung” - ông Chính nói.
Tác giả bài viết: Thái Nhung
Nguồn tin: daidoanket.vn
Ý kiến bạn đọc