Đại hội đã thành công tốt đẹp
Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, trong các ngày 16, 17, 18/10/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X với chủ đề: Đoàn kết-Dân chủ-Đổi mới-Sáng tạo-Phát triển đã diễn ra và thành công tốt đẹp.
“Đại hội đã rất vui mừng được đón các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam. Tại Đại hội, đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có bài phát biểu quạn trọng tại Đại hội, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò rất quan trọng của MTTQ Việt Nam”- Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh và cho hay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã gợi mở 3 nội dung quan trọng để MTTQ Việt Nam bổ sung vào văn kiện và triển khai thực hiện mạnh mẽ hơn trong nhiệm kỳ tới; cùng đồng lòng, chung sức để đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc.
Đại hội cũng được nghe lãnh đạo Chính phủ phát biểu về tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, công tác phối hợp giữa Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam; lãnh đạo Quốc hội phát biểu về công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Thông qua báo cáo Chính trị của UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX, Đại hội đã thống nhất với đánh giá kết quả công tác Mặt trận nhiệm kỳ 2019-2024 và nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc.
Đại hội cũng đã thông qua phương hướng, mục tiêu và chương trình hành động của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2024-2029. Trên cơ sở tiếp tục kế thừa và phát triển 5 Chương trình hành động nhiệm kỳ 2019-2024, Đại hội xác định 10 chỉ tiêu cụ thể về việc nắm tình hình nhân dân, về khu dân cư, về vận động, quyên góp, về giám sát, phản biện xã hội, về góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước bảo đảm tính khả thi, thực chất; đồng thời bổ sung mới 1 Chương trình hành động nhằm thực hiện yêu cầu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, về địa bàn khu dân cư.
Cụ thể, Chương trình 1: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chương trình 2: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, thực hiện dân chủ, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.
Chương trình 3: Động viên các tầng lớp nhân dân thi đua, sáng tạo, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua.
Chương trình 4: Phát huy vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của nhân dân, xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc. Chương trình 5: Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại Nhân dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Chương trình 6: Tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung phương thức hoạt động; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp.
Đại hội thông qua Báo cáo kiểm điểm hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024.
Đại hội đã tiến hành thảo luận và thống nhất thông qua Điều lệ MTTQ Việt Nam sửa đổi, bổ sung. Đại hội thông qua Đề án nhân sự và hiệp thương cử UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa X gồm: 405 vị; Đoàn Chủ tịch: 72 vị; Ban Thường trực: 6 vị gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký và 4 Phó Chủ tịch chuyên trách; 7 vị Phó Chủ tịch không chuyên trách.
Tại Đại hội đã hiệp thương cử ra 397 vị tham gia UBTƯMTTQ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029.
Hội nghị lần thứ nhất UBTƯ MTTQ Việt Nam khoá X đã hiệp thương dân chủ cử 67 vị tham gia Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khuyết 5 vị sẽ kiện toàn trong nhiệm kỳ. Hội nghị đã hiệp thương dân chủ cử 4 vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa X tham gia Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa X.
“Với tinh thần “Đoàn kết-Dân chủ-Đổi mới-Sáng tạo-Phát triển”, Đại hội gửi thông điệp và lời kêu gọi tới đồng bào cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nhiệt huyết, quyết tâm phát huy mạnh mẽ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; nêu cao ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức; lấy mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; chung lo vận mệnh của đất nước, bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030), hoàn thành mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”-bà Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Sức mạnh đại đoàn kết trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết liên quan đến vai trò và phương hướng của MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ mới trong việc thực hiện các nhiệm vụ để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa X cho biết, đến năm 2030 chúng ta sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nhìn nhận lại 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: Đó là sự đột phá về thể chế, đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại; đột phá về nguồn nhân lực.
Những thành tự to lớn như vậy đặt đất nước chúng ta vào vị thế hội tụ đủ các yếu tố để phát triển đất nước giai đoạn mới, mạnh mẽ hơn, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói, chúng ta sẽ tham gia nhiều hơn vào chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại.
Theo khẳng định của Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến: Trong 7 nhiệm vụ MTTQ Việt Nam, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phải đưa ra những chương trình, những nội dung làm sao phát huy được sức mạnh trong nhân dân, bao gồm cả nhân tài, tiền tài, vật lực và sự đồng thuận của nhân dân.
Mặt trận xác định trong thời kỳ tới, sẽ tập hợp, vận động, thuyết phục nhân dân tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, ủng hộ các chương trình, dự án lớn của Đảng và Nhà nước để bước vào kỷ nguyên phát triển vươn mình của dân tộc.
Sẽ nắm bắt, tập hợp ý kiến của cử tri, nhân dân trên môi môi trường số
Tại cuộc họp báo, báo chí đã đặt câu hỏi về việc một trong những chương trình hành động của Đại hội nhiệm kỳ tới là đổi mới công tác Mặt trận, nâng cao chất lượng của cán bộ Mặt trận, nhất là chuyển đổi số trong hoạt động Mặt trận. Vậy chương trình hoạt động này của Mặt trận trong thời gian tới sẽ như thế nào?.
Trả lời vấn đề trên, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, chuyển đổi số là một chủ trương, yêu cầu rất quan trọng phát triển kinh tế xã hội của đất nước. MTTQ Việt Nam xác định đây là một trong những nội dung quan trọng để có thể tăng cường, thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam.
Theo Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, hiện nay trong chuyển đổi số, Ban Thường trực đã chỉ đạo, cùng phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan đã hoàn thiện dự thảo về Đề án chuyển đổi số. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong nhiệm kỳ tới. Đồng thời sẽ thực hiện chung với Đề án chuyển đổi số của các ban Đảng, các cơ quan Trung ương.
Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đưa ra dẫn chứng: Hiện nay ngay trong Đại hội X, toàn bộ các nội dung tài liệu cho các đại biểu đã được đưa vào App, chỉ cần quét vào App thì ra toàn bộ tài liệu. Ngay thẻ đại biểu vừa là vấn đề an ninh, nhưng chỉ cần quét là có đầy đủ toàn bộ họ tên, các thông tin về Đại hội.
“Trong Đề án chuyển đổi số chúng tôi đang dự kiến sẽ thực hiện mạnh mẽ trong công tác tham mưu chuyên môn, nắm bắt tập hợp ý kiến của cử tri, của nhân dân trên môi trường mạng, môi trường số. Tăng cường hơn vai trò của nhân dân trong tham gia giám sát, phản biện xã hội. Trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ rất có nhiều ứng dụng sẽ dự kiến thực hiện chuyển đổi số. Mục tiêu là thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn tới”-Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà nói.
Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà cũng thông tin thêm rằng, Đề án dự kiến sẽ có sự tham gia của MTTQ các cấp ở địa phương, các tổ chức thành viên. Sắp tới Đề án sẽ được trình, và thực hiện chung trong Đề án chuyển đổi số của các cơ quan Đảng ở Trung ương, cùng với Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương. Chắc chắn đây là nội dung sẽ được thực hiện rất mạnh mẽ trong thời gian tới. Ngay trong Nghị quyết, báo cáo chính trị của Văn kiện Đại hội X của Mặt trận cũng đã đề cập đến nội dung trên.
Báo chí cùng với Mặt trận để giám sát việc phân bổ hỗ trợ tiền ủng hộ
Cũng tại cuộc họp báo, liên quan đến vấn đề “sao kê” tiền ủng hộ bão, lũ trong thời gian qua, trong đó có bão Yagi, trả lời báo chí, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ: “sao kê” để công khai minh bạch cứu trợ lên trên các phương tiện thông tin đại chúng là một áp lực đối với Ban Thường trực và cá nhân Chủ tịch vì chưa bao giờ làm, lần đầu bao giờ cũng khó nhưng nhận được sự ủng hộ rất lớn của dư luận xã hội và các tầng lớp nhân dân.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng thông tin tới đây, để phù hợp với cá nhân ủng hộ lớn mà không nhất thiết công bố danh tính thì sẽ nghiên cứu có tài khoản đặc biệt để gửi vào tài khoản đó, chỉ có người đó và một số ít người biết.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng khẳng định: Khi công khai minh bạch thì tỷ lệ những người ủng hộ và số kinh phí đóng góp ủng hộ nhiều hơn, tăng rất nhanh. Đến ngày 10/10/2024 đã nhận được 2091 tỷ đồng, đã phân bổ 1035 tỷ đồng về 26 tỉnh.
Theo Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến việc phân bổ để giải quyết 3 việc chính. “Theo đó, hỗ trợ nhà bị sập, đổ và sửa chữa nhà. Định mức tối thiểu nhà sập hoàn toàn là 50 triệu đồng, và có thể cao hơn do địa phương quyết định vì đây chỉ là nguồn của Mặt trận, và còn nhiều nguồn khác nữa. Trên thực tế thấy 50 triệu làm rất khó khăn nên có thể huy động thêm công sức. Thứ hai hỗ trợ cho những người, gia đình bị mất, bị thương, mất tích, lương thực thực phẩm đảm bảo không ai bị đói, thiếu nước, và các cháu quay trở lại trường học. Thứ ba sau thống kê xem thiệt hại của từng địa phương như thế nào để phân bổ tiếp đợt 2. Hỗ trợ phải đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ và tương đối công bằng”- Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ.
Dẫn chứng việc đi thực tế thấy “có trường hợp trưởng thôn rất linh hoạt sáng tạo khi những nhà cạnh đường có nhiều đoàn đến ủng hộ. Còn hộ ở xa không ai đến. Do đó trưởng thôn vận động các nhà hảo tâm có gắng đi vào vùng xa, hoặc có sự chia sẻ”, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhìn nhận “đây là cách làm phù hợp với thực tiễn”.
“Tôi cam kết nếu phát hiện được sử dụng nguồn này mà không đúng mục đích, không hiệu quả, có biểu hiện tiêu cực thì tôi xin thưởng. Vì đây là đồng tiền rất thiêng liêng. Tôi đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống MTTQ Việt Nam chi phí cho công tác tiếp nhận, phân bổ, sử dụng đều phải sử dụng ngân sách nhà nước, không được sử dụng “một cắc, một đồng” nào của nhân dân đóng góp. Tất cả các gia đình, tổ chức cá nhân được thụ hưởng phải niêm yết công khai tại trụ sở UBND xã”- Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nói và khẳng định sẽ phấn đấu công khai minh bạch cả hai đầu. Đó là đầu tiếp nhận và đầu phân bổ. Với cách làm như vậy sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực có thể xảy ra. Đồng thời tăng cường công tác giám sát.
Về vấn đề giám sát, theo Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, vào kỳ họp cuối năm của HĐND cấp xã, cấp huyện đã yêu cầu MTTQ Việt Nam phải có bản báo cáo trước HĐND để HĐND thực hiện quyền giám sát của mình về việc địa phương tiếp nhận bao nhiêu nguồn kinh phí trong ủng hộ từ các cơ quan, tổ chức cá nhân, và sử dụng như thế nào để đại biểu HĐND giám sát, cùng với giám sát của nhân dân và MTTQ Việt Nam. Phát huy lực lượng này để quản lý sử dụng những đồng tiền ý nghĩa thiêng liêng của tổ chức, cá nhân, đồng bào ta trong cả nước và kiều bào.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng mong báo chí cùng với Mặt trận để giám sát việc phân bổ hỗ trợ tiền ủng hộ.
Trả lời câu hỏi về giải pháp liên quan đến vấn đề xói đói giảm nghèo, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, tuy tỷ lệ giảm nghèo của chúng ta đã đạt được những thành tựu rất đáng kể, thế giới nể phục nhưng bây giờ khó hơn trước vì số còn lại rất nghèo.
Về giải pháp theo Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cần phân loại. Theo đó đối với hộ không còn sức lao động, không có khả năng tự lo được cho mình thì chuyển sang chế độ "trợ cấp xã hội" để họ có cuộc sống ổn định chứ không thống kê vào nhà người nghèo xong "áp" các biện pháp xoá đói giảm nghèo vì trên thực tế rất khó bởi không có lao động, sinh kế không còn. Quan trọng nhất là không có lao động do già yếu, không nơi nương tựa thì chúng ta chuyển sang trợ cấp xã hội. Tuy nhiên cần nâng mức trợ cấp xã hội lên để họ có thể sống được bình thường.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng nhắc đến hiện Mặt trận đang phát động Chương trình chung tay xoá nhà tạm, xoá nhà dột nát trên cả nước. Theo đó, phấn đấu năm 2025 chúng ta phấn đấu xoá xong nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, cận nghèo trong phạm vi toàn quốc nhân dịp 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, và kỷ niệm 80 năm ngày thành lập nước. Cả hệ thống chính trị vào cuộc thì chúng ta sẽ làm được. "Vì khó khăn như Điện Biên, nghèo như Điện Biên, yếu như Điện Biên mà MTTQ Việt Nam trong 8 tháng làm được 5000 căn nhà thì với quyết tâm rất cao tôi tin chúng ta sẽ làm được, góp phần vào xoá đói giảm nghèo. Bởi trong các khó khăn của người nghèo thì nghèo về nhà ở là cái cần quan tâm đầu tiên vì an cư thì mới lạc nghiệp, sau đó là các sinh kế khác"-Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ.
Tác giả bài viết: Hương Diệp - Việt Thắng - Hoàng Chiến
Ý kiến bạn đọc