Nhằm vận động nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những giống cây, vật nuôi có năng suất, chất lượng vào sản xuất kinh doanh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo động lực thúc đẩy cho các hộ nông dân nhất là nông dân nghèo, nông dân tại vùng khó khăn vươn lên xóa nghèo và làm giàu chính đáng. Hàng năm, Hội nông dân huyện đã phát động các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Phong trào được triển khai ngay từ đầu năm và thu hút được đông đảo hội viên tham gia
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều nông dân làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất đồi, đất nương rẫy như: trồng xen canh lúa rẫy với các loại cây họ đậu; trồng Quế, Sâm Ngọc Linh, Sâm Nam, Sâm Qui, Chuối Mốc và Keo nguyên liệu trên đất vườn đồi, vườn nhà mang lại hiệu quả kinh tế cao; nhiều nông dân quyết tâm bảo tồn, khôi phục và nhân rộng con vật nuôi truyền thống như: Bò, Dê, Heo địa phương theo hướng gia trại; trồng rau sạch có nguồn gốc tự nhiên như: rau Dớn, rau Lũi đã phá thế độc canh cây lúa rẫy năng suất thấp, góp phần đa dạng hoá sản xuất trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn (2012-2014), góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyệnĐã có nhiều tấm gương nông dân không chịu đói, nghèo quyết tâm vươn lên, vượt qua khó khăn, thách thức, mạnh dạn đầu tư phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả; trở thành những hộ nông dân giỏi, điển hình như: các hộ ông Trần Văn Phải, Hồ Văn Hình, Hồ Văn Bộ và ông Hồ Văn Du dân tộc Xê Đăng, ở thôn 02, thôn 03 xã Trà Linh liên tục qua các năm (2007-2011) và (2012-2014) là những gương điển hình tiêu biểu của các mô hình phát triển kinh tế tại xã Trà Linh. Bên cạnh đó, năm 2012-2014 xã Trà Linh còn xuất hiện thêm những gương điển hình mới gồm các hộ: ông Hồ Văn Quang, Hồ Văn Thương, Hồ Văn Thuật, Hồ Văn Biên, Hồ Văn Bông, Hồ Văn Bằng, Hồ Văn Út, Hồ Văn Do, Trần Xuân Huấn, Nguyễn Văn Dũng và Hồ Văn Hoan ở thôn 02, thôn 03 và thôn 04 xã Trà Linh là những hộ biết phát huy lợi thế về tiềm năng đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, mạnh dạn thay đổi tập quán lạc hậu, cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất và có kế hoạch chi tiêu gia đình hợp lý; đặc biệt là nhận thức được vấn đề thoát nghèo, nỗ lực vươn lên bằng chính khả năng, sức lực của mình; biết khai hoang làm ruộng lúa nước và kết hợp phát triển chăn nuôi với khoanh vùng trồng cây Sâm K5 tập trung với số lượng ngày càng nhiều. Nhờ cách làm đó, đến nay bình quân mỗi hộ có khoảng 10.000 cây Sâm 05 năm tuổi và 17.000 cây sâm dưới 05 năm tuổi, ước trị giá hàng tỷ đồng/hộ và mức thu nhập bình quân của mỗi hộ đạt từ 150 đến 200 triệu đồng/năm.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng là phong trào trọng tâm xuyên suốt của Hội Nông dân các cấp. Phong trào được cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận bởi mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần không nhỏ thúc đẩy KT-XH phát triển, nâng cao đời sống cho hội viên và bà con nông dân, góp phần thiết thực xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, phong trào cần tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả trong thời gian tới.
Nguồn tin: Văn phòng HĐND-UBND huyện
Ý kiến bạn đọc