An ninh lương thực quốc gia được hiểu là sự đảm bảo của mỗi quốc gia về nguồn cung cấp lương thực cho người dân để hạn chế và đẩy lùi tình trạng thiếu lương thực, nạn đói và tình trạng phụ thuộc vào nguồn cung lương thực nhập khẩu. Khủng hoảng lương thực sẽ dẫn đến giá lương thực tăng cao, nguồn cung lương thực không đủ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống sinh hoạt hàng ngày của mọi người, kìm hãm phát triển kinh tế, gia tăng đói nghèo. Khủng hoảng lương thực dẫn đến nạn đói, suy dinh dưỡng và ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mọi người.
Nạn đói xảy ra khi một quốc gia trải qua tình trạng thiếu lương thực trầm trọng đến mức dân số có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cấp tính, chết đói hoặc tử vong. Nạn đói thường được Liên hợp quốc tuyên bố, đôi khi với sự cộng tác của chính phủ nước đó, và thường với các tổ chức viện trợ quốc tế hoặc cơ quan nhân đạo khác. Liên hợp quốc sử dụng thang đo Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp (IPC) để đo lường mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất an ninh lương thực. Thang đo này phân loại tình trạng thiếu lương thực của một quốc gia - hay tình trạng mất an ninh - theo 5 "giai đoạn" mức độ nghiêm trọng: an ninh lương thực tối thiểu (IPC 1), căng thẳng (IPC 2), khẩn cấp (IPC 3), khủng hoảng (IPC 4) và nạn đói (IPC 5).
Lần gần đây nhất, nạn đói được chính thức tuyên bố là ở Nam Sudan vào năm 2017 khi gần 80.000 người có nguy cơ chết đói và hơn 1 triệu người trên bờ vực chết đói sau 3 năm nội chiến. Vào thời điểm đó, Liên hợp quốc lý giải nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng của chiến tranh đối với nông nghiệp: Nông dân mất gia súc, sản xuất nông nghiệp giảm mạnh và lạm phát tăng vọt. Trước đó, nạn đói cũng từng được tuyên bố ở miền Nam Somalia năm 2011, năm 2008; nạn đói ở Gode, vùng Somali, Ethiopia năm 2000; nạn đói ở Somalia năm 1991 - 1992 và nạn đói ở Ethiopia năm 1984 - 1985…
Và thời điểm hiện tại, Liên hợp quốc cảnh báo nạn đói lại sắp xảy ra ở phía Bắc Dải Gaza sau nhiều tháng xung đột giữa Israel và Gaza. Một nửa dân số - khoảng 1,1 triệu người - đang đói, theo phân loại của IPC. Trong trường hợp xấu nhất, toàn bộ người dân Gaza sẽ phải đối mặt với nạn đói vào tháng 7/2024. Liên hợp quốc cho biết Dải Gaza có “số lượng người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở mức độ cao nhất mà IPC từng xếp hạng đối với một khu vực hoặc quốc gia nhất định”.
Ngoài ra, các quan chức Liên hợp quốc cũng cảnh báo rằng cuộc xung đột đang diễn ra ở Sudan đã đẩy nước này vào "một trong những cơn ác mộng nhân đạo tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây", có thể gây ra cuộc khủng hoảng nạn đói lớn nhất thế giới. Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), gần 18 triệu người ở Sudan phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng do cuộc nội chiến nổ ra vào tháng 4/2023. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) thì cho biết họ đã chứng kiến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ “ngoài những dự đoán tồi tệ nhất”, cũng như các đợt bùng phát dịch tả, sởi và sốt rét.
Ngoài ra, tổ chức nhân đạo Hành động chống nạn đói (Action Against Hunger - ACF) chỉ ra một số quốc gia khác cũng có "mức độ nạn đói rất đáng lo ngại", bao gồm: Afghanistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, khu vực Tigray của Ethiopia, Pakistan, Somalia, Syria và Yemen.
Tháng trước, WFP từng cảnh báo Haiti, quốc gia đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị nghiêm trọng trong bối cảnh bạo lực lan rộng, đang "trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng lương thực tàn khốc". Khoảng 1,4 triệu người được coi là đang trên bờ vực nạn đói.
Trong một tuyên bố chung ngày 12/4, WFP, UNICEF và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) báo động gần 55 triệu người tại Tây và Trung Phi sẽ phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng trong một vài tháng tới; đồng thời cho biết số người sẽ phải đối mặt với nạn đói trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 8 đã tăng gấp 4 lần trong 5 năm qua. Tuyên bố chỉ ra Nigeria, Ghana, Sierra Leone và Mali sẽ nằm trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tình hình đặc biệt đáng lo ngại ở miền Bắc Mali, nơi khoảng 2.600 người có thể phải chịu nạn đói thảm khốc.
Thực tế cho thấy khủng hoảng lương thực và nạn đói có nhiều nguyên nhân, có thể do con người tạo ra, do thiên nhiên gây ra hoặc kết hợp cả hai.
Theo ước tính của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc, 45 quốc gia đang cần viện trợ lương thực khẩn cấp từ bên ngoài, trong đó có 33 quốc gia ở châu Phi, tiếp theo là châu Á (9), châu Mỹ Latinh-Caribbean (2) và châu Âu (1). Nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng này là xung đột ở Cận Đông, Tây và Đông Phi, cũng như tình trạng hạn hán lan rộng ở Nam Phi. Các quốc gia cần hỗ trợ từ bên ngoài có thể được phân thành 3 loại lớn, không loại trừ lẫn nhau: các quốc gia phải đối mặt với tình trạng thâm hụt đặc biệt về sản xuất hoặc cung cấp lương thực sau thiên tai, xung đột hoặc các vấn đề về cung ứng; các quốc gia thiếu khả năng tiếp cận lương thực trên diện rộng do xung đột và các yếu tố kinh tế như thu nhập rất thấp và giá lương thực cao; các quốc gia bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất an ninh lương thực cục bộ nghiêm trọng do làn sóng người tị nạn và các điều kiện kết hợp với mùa màng kém và nghèo đói cùng cực.
Bản tin hàng tháng mới nhất của FAO về diễn biến giá lương thực cho thấy giá thực phẩm cơ bản nội địa vẫn ở mức cao tại nhiều quốc gia do nhiều yếu tố: hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, xung đột, mất an ninh, mất giá tiền tệ... Sự gián đoạn hiện đang xảy ra với các tuyến hàng hải lớn như Kênh đào Panama và Biển Đỏ gây thêm khó khăn do góp phần làm tăng chi phí nhập khẩu thực phẩm.
Tuyên bố chung của WFP, UNICEF và FAO cho biết những thách thức kinh tế như lạm phát lên đến hai con số và sản xuất trong nước trì trệ đã trở thành nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng lương thực, thực phẩm, bên cạnh căng thẳng xung đột tái diễn trong khu vực Tây và Trung Phi. Khu vực này phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu thực phẩm, do đó phải chịu sức ép lớn, nhất là các quốc gia đang có lạm phát cao như: Ghana, Nigeria và Sierra Leone. Các cơ quan của Liên hợp quốc cho biết trong 5 năm qua, giá các loại ngũ cốc chính tiếp tục tăng trên toàn khu vực từ 10% lên hơn 100% so với mức trung bình.
Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thì công bố báo cáo cho thấy các chỉ số về biến đổi khí hậu đã đạt mức kỷ lục vào năm 2023, đặc biệt là về nhiệt độ bề mặt và khối lượng khí nhà kính. WMO nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương của ngành nông nghiệp trước rủi ro khí hậu và hiện tượng hạn hán, vốn là nguyên nhân gây ra phần lớn thiệt hại và tổn thất trên toàn thế giới, đặc biệt tạo thành một mối đe dọa đáng kể.
Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) cũng cho biết hạn hán và mất mùa do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt bắt nguồn từ biến đổi khí hậu đang dẫn đến tình trạng thiếu lương thực trên diện rộng, đặc biệt là ở Đông Phi. Trong khi đó, El Niño – một hiện tượng khí hậu mô tả sự nóng lên bất thường của nước bề mặt ở Thái Bình Dương – đã tác động tiêu cực đến nguồn cung cấp thực phẩm ở Đông Nam Á và Mỹ Latinh.
Ngoài ra, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã dẫn đến một làn sóng các biện pháp về xuất khẩu và nhập khẩu thực phẩm. Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu một phần trở nên trầm trọng hơn do các nước tăng cường hạn chế thương mại đối với thực phẩm và phân bón nhằm tăng nguồn cung trong nước và đẩy giá xuống. Tính đến ngày 25/3, 16 quốc gia đã áp dụng 23 lệnh cấm xuất khẩu đối với một số sản phẩm nông nghiệp và 8 quốc gia đã áp dụng 15 biện pháp hạn chế xuất khẩu.
Không những thế, theo thống kê, mỗi năm, hơn 30% sản lượng lương thực của hành tinh đã bị hết hạn hoặc bị vứt bỏ trước khi đến tay người tiêu dùng. Con số này tương ứng với 1,3 tỷ tấn lương thực, thực phẩm bị vứt bỏ. Lãng phí thực phẩm dẫn tới lãng phí về tiền bạc khi tính toán đơn giản thì mỗi năm thế giới bỏ đi 100 tỷ USD chỉ vì lãng phí thực phẩm. 250 tỷ m3 nước được dùng để sản xuất số thực phẩm này cũng bị lãng phí theo.
Hàng loạt diễn biến đáng báo động đó đã nêu bật nhu cầu cấp thiết về hành động toàn diện và phối hợp để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng phục hồi của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương trên toàn thế giới. Như FAO gần đây đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về chuyển đổi hệ thống nông sản thực phẩm để chống lại tác động ngày càng tăng của cuộc khủng hoảng khí hậu đối với an ninh lương thực và nông nghiệp.
Trong khi đó, bà Nada Al-Nashif, Phó Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc cho rằng trong khi tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang ập đến với chúng ta thì tương lai đen tối, một thế giới đầy đau khổ và bất công mà chúng ta không bao giờ có thể tưởng tượng được lại đang có nguy cơ hiện hữu. Đối mặt với tình trạng cấp bách, thế giới cần hành động công bằng và dựa trên quyền để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Đó cũng là về việc bảo vệ tốt hơn những người bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Phó Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các chính phủ đảm nhận trách nhiệm của mình và hành động ngay bây giờ để hiện thực hóa quyền phổ quát về lương thực và bảo vệ quyền có một môi trường sạch sẽ, lành mạnh và bền vững.
Ngoài ra, đối với Liên hợp quốc, điều cần thiết là đảm bảo rằng các doanh nghiệp phải hành động có trách nhiệm để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và tác động của nó đối với quyền có lương thực. Nguồn tài trợ cũng phải được huy động để thực hiện quyền có thực phẩm.
Hơn lúc nào hết, cần khẩn trương mở rộng quy mô hỗ trợ nhân đạo cho các cộng đồng có nhu cầu và đầu tư đồng thời vào khả năng phục hồi và phục hồi lâu dài, đặc biệt đối với các quốc gia dễ bị tổn thương do khí hậu và bị ảnh hưởng xung đột; sử dụng ảnh hưởng ngoại giao song phương và đa phương để bảo đảm tất cả các bên trong xung đột vũ trang tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ của họ theo luật nhân đạo quốc tế, đặc biệt là ủng hộ Nghị quyết 2417 Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhằm giúp giảm tình trạng leo thang toàn cầu về nạn đói do xung đột gây ra.
Có thể khẳng định rằng tác động của cuộc khủng hoảng lương thực không chỉ là dừng lại ở những con số thực tế được thống kê mà sau đó còn là một thảm kịch của biết bao nhiêu gia đình, con người đang phải chật vật chỉ để tồn tại, duy trì sự sống. Thực tế này đòi hỏi tất cả các bên, mọi thành phần trong xã hội phải nhanh chóng vào cuộc, chung tay nỗ lực tìm ra các giải pháp thực sự hiệu quả, cấp bách nhằm ứng phó với những nguy cơ ngày càng hiện hữu của cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, trong đó chú trọng một số ưu tiên như: Hỗ trợ những người dễ bị tổn thương; thúc đẩy thương mại mở; hỗ trợ sản xuất lương thực; đầu tư vào nông nghiệp thích ứng với khí hậu cho tương lai và phối hợp để những nỗ lực này phát huy hiệu quả tối đa./.
Tác giả bài viết: Khánh Linh/Theo Báo ĐCSVN
Nguồn tin: tapchimattran.vn
Ý kiến bạn đọc