Rời núi sang xứ Hàn
Sớm mờ sương giữa núi rừng Tăk Pỏ (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My), những người lao động chân chất, quanh năm bám bản bám rừng, bịn rịn chia tay gia đình sang Hàn Quốc làm việc.
Hai đứa con, 3 đứa cháu cứ quấn lấy chị Nguyễn Thị Kim Hánh (SN1982, xã Trà Nam) trước giờ chị lên xe ra sân bay. Chị Hánh trấn an con cháu ở nhà ngoan, nghe lời ông bà, chị sẽ cô gắng làm việc để có thêm điều kiện kinh tế lo cho gia đình sau này.
Chị Nguyễn Thị Kim Hánh tâm sự: “Đây là lần đầu tiên tôi đi khỏi huyện Nam Trà My, mà đến tận Hàn Quốc làm việc trong 5 tháng.
Trước kia, nghe cán bộ thôn, xã tuyên truyền đi làm thời vụ ở Hàn Quốc, tôi không dám đăng ký vì sợ. Nhưng ở huyện có nhiều người đi về tích góp số tiền khá, có người đi lần thứ hai. Sau đó tôi bàn với chồng và quyết định đăng ký sang Hàn Quốc làm việc”.
Để lại 2 đứa con nhỏ cho vợ, anh Hồ Văn Tư (SN1988, xã Trà Mai) quyết định đi Hàn Quốc làm việc thời vụ. Như lời anh Tư, cũng từ việc nhìn thấy những lao động ở Trà Mai đi Hàn Quốc làm việc về có cuộc sống khấm khá hơn, đã tiếp thêm động lực giúp anh và vợ yên tâm lên đường.
Vợ anh Tư là chị Nguyễn Thị Thi đã từng rời núi đến công ty may ở TP.Tam Kỳ làm việc, nhưng rồi vướng bận con nhỏ nên phải quay về nhà chăm con. Còn anh Tư đây là lần đầu tiên đi xa nhà, xa vợ con.
“Thời gian làm việc bên Hàn không quá dài nên tôi không quá lo lắng. Ở xã đã có nhiều người sang Hàn Quốc làm việc, tôi thăm hỏi kỹ rồi, công việc phù hợp khi làm trong nông trường.
Nguyện vọng của tôi là sau đợt này hai vợ chồng có thể đăng ký để cùng nhau xuất khẩu lao động. Mình còn trẻ thì nỗ lực làm việc, tích góp vốn liếng để sau này ổn định cuộc sống”.
Hiệu quả
Chương trình “Thỏa thuận hợp tác về phái cử và tiếp nhận lao động đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại Quận Hamyang, tỉnh Gyeongsangnam, Hàn Quốc” được huyện Nam Trà My thực hiện khá hiệu quả trong năm 2023.
Đợt đầu tiên của năm 2024 đã đưa 24 lao động (LĐ) sang Hàn Quốc làm việc. Đợt này, không chỉ có LĐ sang Hàn Quốc làm việc thời vụ, mà còn có thêm 66 LĐ sang Ả rập - Xê út và Liên bang Nga làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn. Đây được xem là bước chuyển ấn tượng của Nam Trà My trong vận động, đào tạo và đưa người LĐ đi nước ngoài làm việc.
Theo ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, để có được kết quả ấn tượng ngay từ đầu năm 2024 như thế này là sự nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã và các công ty có chức năng đưa người LĐ sang nước ngoài làm việc.
Họ đã cùng nhau vận động, tuyên truyền đến từng nhà, từng LĐ, kiên trì đào tạo, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của LĐ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Huyện đã hỗ trợ UBND các xã thực hiện hơn 200 buổi tuyên truyền công tác đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tư vấn giới thiệu việc làm sau khi người LĐ về nước, với trên 4.000 lượt người LĐ được tuyên truyền, tư vấn, thông tin về đơn hàng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người LĐ khi tham gia làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
“Chúng tôi tuyên truyền trong LĐ điều cần nhất là chấp hành pháp luật. Khi còn ở lãnh thổ Việt Nam thì phải chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam. Đến khi đi làm việc ở các nước phải chấp hành pháp luật của họ.
Người LĐ tuyệt đối không được làm những việc phi pháp để ảnh hưởng đến cá nhân người LĐ, ảnh hưởng đến người LĐ khác trong huyện, trong tỉnh, thậm chí là LĐ Việt Nam ở nước ngoài. Đối với bản thân người LĐ nếu vi phạm sẽ mất quyền lợi trong thực hiện hợp đồng đã ký kết và ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác giữa hai địa phương.
Đồng thời, qua chương trình đi làm việc ở nước ngoài và LĐ thời vụ tại Hàn Quốc là cơ hội để LĐ học hỏi kinh nghiệm làm việc, sản xuất, sau khi về nước tự tin khởi nghiệp hay cải tạo sản xuất, góp phần đem lại sự phát triển kinh tế gia đình và địa phương trong thời gian đến” - ông Phước nói.
Tác giả bài viết: Diễm Lệ
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Ý kiến bạn đọc