Đổi mới tư duy nhận thức về vị trí, vai trò, chức năng của Mặt trận và công tác Mặt trận; tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận và sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc
Từ sau khi thống nhất đất nước, nhiệm vụ cách mạng đã thay đổi nhưng công tác Mặt trận chưa chuyển hướng kịp, chưa chú ý đúng mức đến việc tuyên truyền giáo dục truyền thống đoàn kết, chủ nghĩa yêu nước cho các tầng lớp nhân dân; việc thực hiện chức năng phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên, giữa Mặt trận với chính quyền chưa chuyển biến kịp thời và phù hợp, nhiều cấp ủy đảng chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới. Nhận thức được điều đó, đồng chí Lê Quang Đạo đã cùng với đồng chí Xuân Thủy giúp Trung ương Đảng xây dựng và ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 18/4/1983 “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới”.
Chỉ thị của Trung ương đã xác định: Trong cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn nhất vừa có tính liên hiệp rộng rãi vừa có tính quần chúng sâu sắc. Mặt trận bao gồm các đảng phái chính trị, các đoàn thể quần chúng, các dân tộc, các tôn giáo và các nhân sĩ yêu nước, đại diện chung cho quyền làm chủ tập thể của Nhân dân lao động, là sợi dây nối các tầng lớp xã hội rộng rãi với Đảng, là chỗ dựa vững chắc của Nhà nước, được xây dựng trên cơ sở liên minh công - nông dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chỉ thị số 17-CT/TW đã chỉ ra ba chức năng cơ bản của Mặt trận là: Tuyên truyền, giáo dục; Phối hợp thống nhất hành động; Phản ánh nguyện vọng, ý kiến của Nhân dân.
Theo đồng chí Lê Quang Đạo, muốn đổi mới công tác Mặt trận phải nhất thiết đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác Mặt trận, vì đổi mới sự lãnh đạo của Đảng là xuất phát điểm, là yếu tố quyết định để đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận đạt kết quả cao. Các cấp ủy đảng cần lãnh đạo Ủy ban Mặt trận hướng công tác về cơ sở nhằm đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng từ cơ sở và tạo ra cuộc sống mới ở khu dân cư bằng những hình thức và phương pháp linh hoạt, thích hợp với đặc điểm, điều kiện từng nơi. Các cấp bộ đảng cần làm cho cán bộ, đảng viên các ngành, chính quyền, các đoàn thể quần chúng nhận rõ tầm quan trọng của công tác Mặt trận trong thời kỳ mới, uốn nắn những quan điểm, nhận thức không đúng về Mặt trận.
Tiếp theo Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 18/4/1983 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới”, để tăng cường hơn nữa đối với việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Năm 1993, đồng chí Lê Quang Đạo cùng với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giúp Trung ương Đảng xây dựng dự thảo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VII) “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất trong tình hình mới”. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành lập Tổ soạn thảo nghị quyết do đồng chí Lê Quang Đạo phụ trách.
Kế hoạch làm việc của Tổ soạn thảo bao gồm nhiều hoạt động: Tổng kết 10 năm thi hành Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới”; nghiên cứu các văn kiện của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất, đặc biệt coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, tranh thủ ý kiến của các đồng chí trong Đảng đoàn các tổ chức thành viên Mặt trận, các đồng chí phụ trách công tác Dân vận - Mặt trận ở Trung ương và các địa phương, tranh thủ ý kiến của các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lão thành cách mạng…
Đồng chí Lê Quang Đạo say mê và có tinh thần trách nhiệm cao trong quá trình chuẩn bị dự thảo Nghị quyết. Nghị quyết khẳng định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là liên minh chính trị, là tổ chức liên hiệp tự nguyện của các đoàn thể nhân dân và cá nhân tiêu biểu cần được củng cố và mở rộng về tổ chức và hoạt động; các cơ quan nhà nước thể chế hóa trách nhiệm và quyền hạn của Mặt trận. Với trách nhiệm vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận, Đảng phải gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật, gắn bó mật thiết với Nhân dân, thường xuyên tự phê bình và lắng nghe ý kiến phê bình của Nhân dân, của Mặt trận.
Nghị quyết nêu bốn chủ trương lớn nhằm tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới: Đại đoàn kết dân tộc là đoàn kết mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Đại đoàn kết chủ yếu phải lấy mục tiêu làm điểm tương đồng, đồng thời chấp nhận những điểm khác nhau, không trái với lợi ích chung của dân tộc…; Đại đoàn kết dân tộc là đường lối cơ bản của Đảng và Nhà nước ta; Xây dựng chính quyền nhân dân trong sạch, vững mạnh, thật sự là Nhà nước của dân, do dân, vì dân… Mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc bằng các hình thức tập hợp đa dạng. Củng cố liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức, thực sự là nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân.
Sự ra đời của Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị đã tạo ra bước phát triển mới nhằm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và công tác Mặt trận trong công cuộc đổi mới đất nước. Nội dung của Nghị quyết thể hiện sâu sắc tư duy đổi mới của Đảng về tăng cường khối đại đoàn kết và công tác Mặt trận. Nghị quyết này cũng định hướng cho Quốc hội trong việc xây dựng Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Như vậy, đồng chí Lê Quang Đạo đã dành nhiều tâm huyết, trí tuệ để khẳng định rõ vị trí, vai trò và chức năng của Mặt trận, công tác Mặt trận và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận và công tác Mặt trận bằng việc tham gia xây dựng Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 18/4/1983 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới” và Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VII) ngày 17/11/1993 “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất trong tình hình mới”.
Phát huy vai trò Mặt trận là cầu nối giữa Đảng với Nhân dân
Đồng chí Lê Quang Đạo cho rằng, xuất phát từ bản chất của nền dân chủ, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân theo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ trên tất cả các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân có vai trò quan trọng trong tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Nếu quyền lực không thực sự thuộc về tay Nhân dân thì không thể phát huy được tính ưu việt của chế độ. Dân chủ ở cơ sở là truyền thống của dân tộc. Dân chủ là sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Trong quá trình cùng Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam soạn thảo Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 18/4/1983 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới” và Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VII) ngày 17/11/1993 “Về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận Dân tộc thống nhất trong tình hình mới”, đồng chí Lê Quang Đạo luôn nhấn mạnh việc coi trọng và phát huy vai trò của Nhân dân. Với trách nhiệm vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận, Đảng phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, thường xuyên tự phê bình và lắng nghe ý kiến phê bình của Nhân dân, của Mặt trận.
Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua các tổ chức dân cử, thông qua các đoàn thể và dân chủ trực tiếp ở cơ sở, do đó, phải có cơ chế, chính sách, pháp luật cụ thể để đảm bảo cho Nhân dân tham gia quản lý xã hội, thực hiện quyền giám sát của mình đối với hoạt động của cơ quan nhà nước và đại biểu dân cử. Theo đồng chí Lê Quang Đạo, Đảng phải có quan hệ máu thịt với Nhân dân, phải lắng nghe được ý kiến của Nhân dân, hiểu được nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.
Mặt trận là cầu nối giữa Đảng với Dân. Việc Đảng và Nhà nước trình bày với Mặt trận những quyết định, chủ trương lớn để lấy ý kiến toàn dân thông qua người đại diện của mình là Mặt trận, đồng thời để Mặt trận vận động Nhân dân ủng hộ và thực hiện đường lối đúng đắn đó, biến nó thành thắng lợi. Mặt trận luôn mong muốn được nghe ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân, Mặt trận tập hợp đầy đủ những ý kiến mà mình nghe được để phản ánh với Đảng và với Nhà nước, để Đảng, Nhà nước cân nhắc, xem xét, tiếp thu những ý kiến của Nhân dân.
Đồng chí Lê Quang Đạo đề xuất, phát động và lãnh đạo tổ chức triển khai cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư"; đề xuất và soạn thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ năm thông qua ngày 12/6/1999. Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tạo nền tảng pháp lý để Mặt trận chủ động đổi mới về tổ chức bộ máy và hoạt động, góp phần vào những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước.
Đổi mới tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của Mặt trận
Với tư cách là Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Lê Quang Đạo luôn chú trọng việc đổi mới tổ chức bộ máy và hoạt động của Mặt trận sao cho thiết thực, theo hướng củng cố, mở rộng và đổi mới. Theo đồng chí Lê Quang Đạo, trước hết, phải làm cho Mặt trận thực sự tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc. Để đạt được mục đích đó, Mặt trận phải hoạt động thực chất, thiết thực, đem lại hiệu quả ngày càng cao.
“Muốn hoạt động thực chất thì phải nắm vững nguyên tắc hành động: hiệp thương dân chủ, hợp tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, phối hợp thống nhất hành động. Trong đó, hai nguyên tắc cơ bản nhất là hiệp thương dân chủ và phối hợp hành động chung…”1. Theo đồng chí Lê Quang Đạo, để hoạt động của Mặt trận thiết thực và đi vào thực chất cần phải: Tập trung được trí tuệ và phản ánh được nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phải tạo ra được các phong trào hành động chung, phải xây dựng, bảo vệ và đặc biệt là giám sát hoạt động của các tổ chức, nhân viên nhà nước; phải chú trọng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và quan tâm công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ…
Đồng chí Lê Quang Đạo chú trọng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, coi đó là tiền đề và điều kiện để đổi mới Mặt trận. Mặt trận cần phát huy vai trò lịch sử trong giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng đất nước với những nhiệm vụ nặng nề, mới mẻ chưa từng có trong lịch sử dân tộc, những kinh nghiệm ngày hôm qua tuy rất quý báu nhưng không đủ sức giải đáp được những vấn đề đang đặt ra.
Do đó, cần đầu tư nghiên cứu lý luận, đặt công tác Mặt trận trên cơ sở khoa học, thực tiễn và pháp lý. Trong tình hình mới, tổ chức và hoạt động của Mặt trận phải được thể chế hóa thành cơ chế, chính sách, pháp luật thì Mặt trận mới đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới. Trong công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn cần nắm vững cái cơ bản, cái cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời phải có tư duy độc lập, sáng tạo để phát triển lý luận phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới. Đồng chí chủ trương nghiên cứu những vấn đề cơ bản, cấp thiết về đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất, nghiên cứu, tổng kết, viết lịch sử Mặt trận một cách cơ bản và có hệ thống.
Đồng chí Lê Quang Đạo rất quan tâm đến công tác tổ chức, cán bộ, chủ động đề xuất và cùng tập thể Đảng đoàn, Ban Thường trực xây dựng bộ máy tổ chức, tuyển chọn cán bộ, vạch ra phương hướng hoạt động, xây dựng cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất của cơ quan Trung ương Mặt trận nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của Mặt trận.
Đồng chí Lê Quang Đạo quan tâm phát huy vai trò của Hội đồng Dân chủ - Pháp luật. Đồng chí thống nhất với Đoàn Chủ tịch thành lập Hội đồng Chính sách - Kinh tế, Hội đồng Khoa học - Giáo dục, Hội đồng Văn hóa - Xã hội. Ủy viên các Hội đồng là các giáo sư, tiến sĩ, chuyên viên cao cấp, các doanh nhân… Các Hội đồng thực sự là cơ quan tư vấn có hiệu quả cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về những vấn đề có liên quan. Bên cạnh đó, đồng chí Lê Quang Đạo chú ý đến hệ thống cộng tác viên của Mặt trận, phát huy vai trò của đội ngũ này trong công tác Mặt trận.
Trong thời gian làm công tác Mặt trận, đồng chí Lê Quang Đạo đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nổi bật là tư tưởng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên cơ sở mở rộng những điểm tương đồng, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận, đổi mới tổ chức bộ máy và hoạt động của Mặt trận, xác định vai trò của Mặt trận, địa vị chính trị, pháp lý của Mặt trận.
Chú thích:
1. Lê Quang Đạo tuyển tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 688.
Tác giả bài viết: * LÊ MẬU NHIỆM - Tiến sĩ, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận. **LÊ THỊ MINH HÀ - Tiến sĩ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Nguồn tin: tapchimattran.vn
Ý kiến bạn đọc