Văn hóa là một vốn kiến thức cần được tích lũy qua nhiều năm và bằng nhiều cách. Chỉ cần có cảm xúc, cùng một ít hiếu kỳ, con người có thể cảm thụ kiến thức ấy một cách chủ động và nhạy bén hơn rất nhiều so với việc bị ép buộc.
Một hình ảnh xúc động - đối với tôi, vị già làng người Xê Đăng đang say sưa thể hiện những giai điệu tingtin, đắm chìm trong thanh âm trong trẻo phát ra từ chiếc đàn do chính mình tạo nên. Sau lưng ông ấy, đôi ba cậu thanh niên chắp tay lắng nghe thứ âm nhạc mộc mạc của loại nhạc cụ mộc mạc chẳng kém.
Thoáng một chút bối rối, tôi tự đặt câu hỏi: Họ đang cảm nhận và hòa vào cảm xúc của người già làng ấy, hay đơn giản là một chút tò mò nhất thời, không chút mặn mà và cảm hứng? Rồi có chăng, người già làng ấy đang cô độc trong không gian nghệ thuật được gầy dựng bằng cả cuộc đời của mình.
Xót xa hơn, chính ông ấy đang lẻ loi giữa không gian văn hóa làng nóc của người Xê Đăng, bởi giữa hàng nghìn người, lao nhao trong tiếng nhạc xập xình hiện đại, chỉ có cây đàn cũ và một nghệ nhân cũng sắp... cũ.
Già làng ấy là Hồ Văn Thập - Nghệ nhân ưu tú duy nhất của Nam Trà My. Ông biết nhiều món nghề, từ đan lát, dệt vải cho đến rèn. Ông cũng chơi được nhiều loại nhạc cụ, như đàn đá và chiếc đàn T’rưng thô sơ. Đó là tất cả những gì người Xê Đăng có, mà chính ông là người đang “sở hữu”.
Hình ảnh già Hồ Văn Thập xuất hiện bên cây đàn trước công chúng, trước cộng đồng làng, cũng hiếm như tài năng của ông vậy. Tôi gặp ông mỗi dịp xã Trà Cang hay huyện Nam Trà My có các sự kiện văn hóa lớn. Một mình trên sân khấu.
Ông đàn, trình diễn hết bài, và rời đi trong tiếng vỗ tay khích lệ của khán giả. Có lúc ông đánh những giai điệu tingtin, rồi về sau này, những bản nhạc có giai điệu quen thuộc, phổ biến hơn với khán giả được ông nghiên cứu và thể hiện, như để bắt kịp thị hiếu người nghe.
Tâm huyết, kiến thức của những người như nghệ nhân Hồ Văn Thập tựa ngọn lửa đang được nhen nhóm. Huyện Nam Trà My đã thể hiện sự quyết tâm trong việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa của người vùng cao, định hướng thành phát triển du lịch cộng đồng. Bằng việc phục dựng, tổ chức các lễ hội truyền thống, thậm chí là thiết kế trang phục riêng của đồng bào Xê Đăng, Ca Dong, Bh’noong sinh sống trên địa bàn huyện.
Đây có thể là nền móng được cải tạo trên những tàn tích, để xây dựng nên giá trị văn hóa vừa truyền thống, vừa thích nghi, quan trọng nhất là hành động để tạo cơ sở cho công tác bảo tồn, phát huy trong những năm sau này. Điều còn lại nằm ở tiềm thức, tình yêu và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong cộng đồng các dân tộc.
Tác giả bài viết: Phú Thiện
Ý kiến bạn đọc