Chưa sử dụng hết biên chế được giao
Báo cáo về tình hình cán bộ, công chức, viên chức, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Trà My cho biết, hiện khối nhà nước đã sử dụng 72 biên chế, thiếu 18 biên chế và đơn vị sự nghiệp thiếu 287 biên chế so với số được giao so với năm 2021 (880 biên chế). Trong khi đó, khối Đảng, mặt trận, đoàn thể đã sử sụng 47 biên chế, còn thiếu 10 biên chế so với chỉ tiêu được giao năm 2021.
Về kết quả thực hiện Thông báo kết luận số 154 ngày 28.4.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Trà My cho biết, huyện kiểm tra, rà soát các loại văn bằng, chứng chỉ của 1.200 cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn.
Qua đó, phát hiện 1 trường hợp thất lạc bằng tốt nghiệp THPT; 2 trường hợp chưa có bằng tốt nghiệp THPT và 1 trường hợp thất lạc chứng nhận đào tạo sơ cấp chuyên môn. Đến nay, 4 trường hợp trên đã báo cáo kết quả giải quyết về Ban Thường vụ Huyện ủy.
Về kết quả thực hiện Thông báo kết luận số 155 ngày 28.4.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, qua rà soát, hiện nay trên địa bàn huyện không có trường hợp công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện chưa phải là đảng viên.
Ngoài ra, thực hiện Kết luận 71 ngày 24.3.2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Trà My đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành việc kiểm tra, rà soát 464 trường hợp. Kết quả, phát hiện 1 trường hợp xét chuyển viên chức sang công chức chưa đảm bảo về quy trình xét chuyển. Ban Thường vụ Huyện ủy đã báo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy theo dõi.
Chia sẻ về khó khăn liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng, theo ông Lê Thanh Hưng – Bí thư Huyện ủy Nam Trà My cho rằng địa phương đã thực hiện nghiêm chủ trương chấm dứt lao động hợp đồng đối với người làm công tác chuyên môn.
Và hiện nay do số lượng cán bộ, công chức, viên chức thuyên chuyển công tác ra ngoài huyện nhiều (từ năm 2015 đến nay có 27 cán bộ, công chức, viên chức thuyên chuyển công tác ra ngoài huyện) dẫn đến thiếu nguồn lực, nhất là đội ngũ chuyên viên có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn tốt nên ảnh hưởng khá lớn đến chất lượng, tiến độ thực hiện công tác.
Lý giải về nguyên nhân sử dụng không hết biên chế được giao, ông Lê Thanh Hưng cho biết, huyện đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng công chức, viên chức. Ngoài việc công chức, viên chức xin chuyển sang địa bàn khác công tác, nhiều trường hợp đã trúng tuyển dụng công chức, viên chức nhưng xin nghỉ việc vì mức lương thấp. Một số địa phương cấp xã vấn còn thiếu biên chế theo Nghị định 34 của Chính phủ.
Theo ông Hưng, vào tuần tới, huyện sẽ mời hết sinh viên đã tốt nghiệp ra trường của huyện gặp mặt, nghe tâm tư nguyện vọng của sinh viên để lãnh đạo huyện trao đổi về các vấn đề liên quan đến công tác thi, tuyển công chức, viên chức bổ sung nguồn biên chế còn thiếu.
“Ở thời điểm này các năm trước đã có rất nhiều hồ sơ của giáo viên miền xuôi gửi về huyện xin giảng dạy; song đến giờ này huyện chưa nhận được hồ sơ nào cả. Trong khi đó, các trường hợp giáo viên xin chuyển về miền xuôi thì quá nhiều, tại Phòng GD-ĐT huyện còn mấy chục hồ sơ chưa giải quyết, hồ sơ có thời gian công tác ở Nam Trà My ít nhất 12 năm.
Nếu không giải quyết cho về thì cũng tội, nhưng cứ xét cho về mà không có nguồn bổ sung thì sẽ đối mặt với thực trạng thiếu giáo viên đứng lớp. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến số biên chế sự nghiệp chưa sử dụng nhiều như báo cáo” – ông Hưng nói.
Không giấu giếm khuyết điểm
Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng chia sẻ với những khó khăn, nhất là khi Nam Trà My phải chịu hậu quả quá nặng nề về người và nhà cửa, hạ tầng do cơn bão số 9 gây ra cuối năm 2020. Theo đó, bước vào năm 2021, cả hệ thống chính trị huyện phải dồn tâm trí, nguồn lực tập trung vào khắc phục.
“Khó khăn chồng chất khó khăn, trong khi đó, đội ngũ cán bộ còn thiếu, nhiều cơ chế chưa tạo được động lực cho cán bộ về công tác ở miền núi. Tôi rất cảm kích với những cán bộ, công chức, viên chức đã có nhiều năm gắn bó công tác ở miền núi, chịu nhiều gian khó lăn lộn với miền núi, đóng góp tâm huyết, trí tuệ từng bước đưa huyện miền núi Nam Trà My đi lên” – đồng chí Lê Văn Dũng bày tỏ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng đánh giá, Nam Trà My đã cơ bản khắc phục được nhiều thiệt hại, trong đó, khắc phục được nhà cửa của nhân dân. Cùng với đó là tập trung thực hiện tốt “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của tỉnh – phòng chống dịch và chăm lo phát triển kinh tế - xã hội; chỉ đạo thực hiện tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (khóa XV) và đại biểu HĐND tỉnh các cấp thành công rất tốt đẹp.
Sau bầu cử, huyện bắt tay củng cố, sắp xếp cơ bản xong các chức danh của nhà nước, tạo sự đồng thuận trong Đảng, chính quyền và nhân dân. Địa phương đã triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về công tác tổ chức xây dựng Đảng, nhất là chỉ đạo khắc phục những hạn chế theo Kết luật 71 của Ban Bí thư, Thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ.
Lưu ý về 9 nhiệm vụ để Ban Thường vụ Huyện Nam Trà My tập trung lãnh đạo làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, quyết định đến sự sống còn của Đảng.
Từ thực tiễn cơ sở Nam Trà My cần có sự đánh giá sâu sắc và có những giải pháp hiệu quả xây dựng tổ chức đảng thật sự trong sạch vững mạnh; không giấu giếm khuyết điểm.
Trước hết, chú trọng làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức cho cán bộ, đảng viên, phòng chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
“Nam Trà My phải làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, đúng theo quy trình, quy định và gắn với chất lượng. Rút kinh nghiệm được chỉ ra để làm tốt công tác quy hoạch, trên tinh thần dân chủ, đoàn kết thống nhất trong tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy, Huyện ủy.
Công tác tuyển dụng, luân chuyển cán bộ phải được làm tích cực hơn. Nếu công chức xã thật sự có năng lực, làm tốt nhiệm vụ được giao ở cơ sở, đảm bảo các điều kiện thì cần xét chuyển thành công chức huyện ở cả hai khối Đảng và chính quyền, bổ sung vào biên chế huyện còn thiếu, đây là việc nên làm, cũng là nhằm động viên cán bộ cơ sở. Tỉnh luôn ủng hộ cách làm này của địa phương” – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nhấn mạnh.
Ý kiến bạn đọc