Suốt mấy mươi năm qua, cộng đồng người Ca Dong ở huyện Nam Trà My sống và lao động theo lời Bác dạy, hình thành nên một ngôi làng mang nét đẹp của tình người, của lòng yêu nước, yêu Bác Hồ giữa thăm thẳm rừng sâu...
Chọn con đất lập làng Đã ba năm kể từ ngày đặt chân đến công tác tại Nam Trà My, các đồng nghiệp vẫn thường bảo tôi, “nếu chưa đặt chân đến thôn 4, xã Trà Dơn thì coi như chưa đến Nam Trà My”. Bởi đường đến đó heo hút, cách trở, thậm chí nhiều người còn bị ám ảnh chặng đường bằng 10 tiếng lội bộ giữa rừng thiêng để đến được làng. Thôn 4, xã Trà Dơn (trước đây là thôn 5) chỉ có 2 ngôi làng nằm biệt lập bởi nhiều lớp núi, nhiều dòng suối cách ngăn. Người dân nơi đây quanh năm vào rừng để tìm cái ăn, nối nghiệp cha ông phát triển nghề trồng quế truyền thống. Nhớ về những ngày đầu lập làng, già làng Hồ Văn Đường cho biết, năm 1972, chừng mười hộ dân bắt đầu chia nhau đi tìm những mảnh đất đẹp để an cư. “Thôn 4 hiện tại nằm trên triền đồi nhưng không quá dốc, bao quanh bởi thác nước và cây ối um tùm, ít thú dữ, lại thuận lợi cho việc canh tác nên chúng tôi quyết định chọn dừng chân ở đây để ở, đến nay làng đã tồn tại được gần 52 năm rồi” - già Đường nói. Suốt 52 năm qua, người dân thôn 4 cần mẫn đắp bồi nên hai ngôi làng đẹp như cổ tích. Từ số ít gia đình định cư ban đầu, đến nay thôn 4 có 66 hộ với 283 nhân khẩu. Từ làm nông nghiệp, sống dựa vào rừng thì nay, thôn 4 đã trở thành vựa quế lớn của vùng Trà My.
Đoàn kết, nghĩa tình Cộng đồng người Ca Dong tại thôn 4 sống trong hai ngôi làng Ông Thái và Ông Vanh. Bao đời nay, họ vẫn duy trì nếp sống đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau, vượt qua những nghịch cảnh để cùng xây dựng cuộc sống ấm no, sung túc. Trong ngôi nhà còn đang dang dở, 5 đứa con của chị Hồ Thị Lễ (làng Ông Thái) được biết đến là con chung của làng. Ngày chồng đột ngột mất, chị Lễ đang mang bầu đứa thứ năm. “Khi nghe tin chồng mình mất, già trẻ trong làng kéo đến động viên, người cho tiền, người cho thóc, cả làng xúm lại để lo ma chay cho chồng mình, mình biết ơn họ lắm” - chị Lễ trải lòng. Không những vậy, lúc chị Lễ sắp sinh đứa thứ tư, sinh khó, người dân thôn 4 đã nhiều lần kéo mẹ con chị trở về từ tay tử thần. “Lúc đấy nguy lắm, rặn mãi không ra, bà đỡ cũng bó tay, rứa là cả làng hò nhau cõng mẹ con mình ra xã. Dọc đường, nửa phần con ra khô héo vì nắng, về xã nguy cơ không cứu được, bà con lại góp tiền đưa mình về Tam Kỳ, nay nó chạy được rồi” - vừa nói, chị Lễ vừa chỉ về đứa con thứ tư. Ông Trần Ngọc Quý - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 4 cho biết, đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau đã trở thành truyền thống quý qua bao đời nay của nhân dân thôn 4. “Việc gì đã xác định là việc chung thì nhà nào cũng tham gia, việc nào là việc của từng hộ thì làng vào giúp, rồi sau này đổi công, không đổi được cũng không sao. Như nhà chị Lễ, lúc anh Tin (chồng chị Lễ) mất, cả làng người bó củi, bó rau đến giúp ma chay, lúc chị sinh khó, mỗi hộ cử 1 người ra, hai mươi mấy người thay nhau khiêng chị về xã mất hơn 10 tiếng đồng hồ, lúc đi thì cơm nắm, khi về ăn mì tôm khô” - ông Quý nói.
Tự lực vươn lên Vào thôn 4 đợt này, đường đi đã có phần đỡ vất vả hơn đôi chút, nhờ có tuyến đường mở từ Trà Leng vào. Chúng tôi nghe mấy anh cán bộ xã bảo, thôn 4 giàu nhất xã, tưởng đùa mà thật. Họ thực sự giàu, giàu về ý chí, giàu về nghị lực. Không đâu xa, như ông Hồ Văn Vân - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Dơn cũng là người con của thôn 4. Năm lên mười, ông một mình về Trà Bui (Bắc Trà My ngày nay) để theo học lớp 4. Con cháu ham học, dân làng rất quý. Ngày rời làng, bà con gói nếp, bọc thịt cho “thằng Vân” đi học cái chữ. “Năm 1997 tôi đi học lớp 1, lúc đó đã học cách tự lập rồi, về Nước Xa (thôn 4, Trà Mai bây giờ) ở nhờ nhà người quen, rồi ba năm sau tôi xin mẹ về Trà Bui để học. Lo cho con, mẹ tôi lặn lội về Trà Bui tìm con suốt 4 ngày đêm, thấy con học hành chăm chỉ, mẹ mới yên tâm về lại làng” - ông Vân kể. Ở làng Ông Thái, Ông Vanh, mọi người chăm chỉ làm việc để cho con cái học hành tử tế. Nhờ vậy mà trẻ em trong thôn có được cuộc sống đủ no, đủ mặc và được học hành. Nói như ông Trần Ngọc Quý: “Chỉ có học mới thay đổi được hình thức con người, thay đổi hành vi, cách sống, cách tính toán để phát triển kinh tế. Đời chúng tôi khổ thật, nhưng nhất định không để đời con cháu chúng tôi phải khổ chỉ vì không được học hành đến nơi đến chốn”. Ông Hồ Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Trà Dơn cho hay, mặc dù là thôn xa nhất nhưng các cháu có nhà ở thôn 4 luôn đến trường đầy đủ, nhà trường không phải đến nhà để vận động các em ra lớp như một số nơi khác. “Riêng đối với lĩnh vực giáo dục, thôn 4 có tỷ lệ lên lớp, tốt nghiệp các cấp học, thậm chí là đỗ đại học luôn cao hơn so với mặt bằng chung của xã. Nhiều em ra trường đã trở thành kỹ sư, bác sĩ, giáo viên và trở về công tác tại các cơ quan, địa phương trên địa bàn huyện. Kết quả này có được, một phần lớn nhờ sự động viên từ phía gia đình các em” - ông Lợi nói.
Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của BCH Trung ương Đảng về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc
Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của BCH Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và pháy huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu câu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới