Rời xa phố thị lên nhận công tác tại Trà My từ những năm 1987, với sức trẻ của chàng trai tuổi đôi mươi thầy Nguyễn Văn Cẩn xung phong nhận công tác tại xã Trà Linh, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, đồi núi bao quanh trùng điệp, hành trang của Thầy ngoài nhiệt huyết của tuổi trẻ và “bốn không” trước mắt: không điện, không đường, không trường, không người thân bên cạnh. Nhưng với tình yêu trẻ thơ và niềm say mê nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người thầy Cẩn luôn nỗ lực hết mình trong công tác sư phạm, luôn được phụ huynh và học trò và đồng nghiệp tin yêu, quý mến.
Sau thời gian công tác, với sự hăng say, nhiệt huyết, tận tâm, trách nhiệm trong công việc thầy được điều động về huyện phụ trách phòng Giáo dục, Chánh Văn phòng Huyện ủy và nay là Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy.
Nam Trà My là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí của đồng bào còn thấp, do đó để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đòi hỏi cán bộ phải thường xuyên gần dân, sát dân, bám sát cơ sở. Để làm được điều đó, đòi hỏi những cán bộ tuyên giáo phải nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, am hiểu chuyên môn và biết tiếng bà con dân tộc; cập nhật nắm bắt thông tin; tham mưu, đề xuất kịp thời cho các cấp ủy hướng giải quyết thích hợp; có giải pháp ngăn chặn những bức xúc, nổi cộm, tránh để xảy ra các “điểm nóng”.
Đồng chí nhận thấy rằng mỗi cán bộ tuyên giáo trước hết phải là một tấm gương mẫu mực tuyên truyền về học tập và làm theo Bác, bởi lẽ người làm công tác tuyên giáo, mọi lời nói sẽ có ý nghĩa nếu sống mẫu mực và trách nhiệm với mọi người; thứ hai là phải học ở Bác ngay từ cách nói, cách viết và cách tuyên truyền: nội dung nói, viết phải khách quan, trung thực, thiết thực; cách nói, viết phải phù hợp với quần chúng và phải kết hợp giữa lời nói và việc làm. Làm được như vậy chính là truyền cảm hứng cho người nghe, có sức lan tỏa tình cảm của mình đến mọi người, làm cho công tác tuyên truyền càng có sức thuyết phục cao, là thực hiện lời Bác Hồ dạy lúc sinh thời: “một tấm gương sống có giá trị hơn trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Để làm tốt nhiệm vụ được giao, đồng chí luôn thường xuyên bám sát cơ sở, đến từng làng, từng nhà bà con ở từng thôn, nóc xa xuôi chưa có đường ô tô đến được để thăm hỏi, động viên xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, hướng dẫn vay vốn phát triển sản xuất, trồng cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nâng cao đời sống kinh tế.
Trong những tháng ngày lặn lội ở cơ sở, nhận thấy Nam Trà My với khí hậu địa hình thích hợp cùng nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, thuận tiện cho việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhưng nuôi con gì? Đó là điều mà đồng chí - một người đại biểu của HĐND huyện tại xã Trà Nam luôn quan tâm, trăn trở. Cùng ăn - cùng ở, cùng lăn lộn với cán bộ cơ sở và bà con nhân dân, qua tìm hiểu sách báo đồng chí nhận thấy chỉ có chăn nuôi dê là thích hợp để phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo của địa phương. Bởi mỗi con dê để đạt tiêu chuẩn xuất ra thị trường cần nuôi từ 7 - 8 tháng, cân nặng trung bình từ 20 - 25 kg. Giá bán dao động từ 140 - 160 nghìn đồng/ kg. So với thịt lợn thì giá thịt dê cao và ổn định hơn. Có thể cho thu nhập gia đình từ 100 triệu đồng, giúp cải thiện kinh tế gia đình. Dê được bán buôn theo lứa, trung bình 1 năm dê đẻ được 2 lứa, mỗi lứa 1 - 2 con. Nhu cầu thị trường tương đối lớn, không phải lo đầu ra cho sản phẩm.
Đồng chí là người đầu tiên đưa việc chăn nuôi, phát triển Dê núi thành sản phẩm chủ lực kỳ vọng để thoát nghèo cho đồng bào Xơ Đăng. Để hiện thực hóa ý tưởng, đồng chí đã phối hợp cùng Hội Liên hiệp phụ nữ huyện triển khai mô hình “Chăn nuôi Dê sinh sản có chuồng trại và khu chăn nuôi tập trung”, đưa chăn nuôi Dê núi thành sản phẩm chủ lực để thoát nghèo cho đồng bào Xê Đăng nơi đây.
Lời nói đi đôi với việc làm, đồng chí cùng Hội LHPN huyện lăn lộn các xã vùng cao của Nam Trà My tìm nguồn Dê giống, học hỏi cách nuôi Dê núi của các huyện bạn, từ 20 con Dê giống ban đầu đến nay trên địa bàn huyện đã có đàn Dê lên tới hơn 1000 con lớn nhỏ ở khắp các xã Trà Nam, Trà Vinh, Trà Don.... Việc hình thành và nhân rộng mô hình nuôi Dê núi tại đây không những tạo việc làm cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn, mà còn là là nguồn thu nhập quan trọng để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nhờ cách tuyên truyền thuyết phục, tận tâm và trách nhiệm, xây dựng kế hoạch chi tiết, khoa học cùng chính sách hỗ trợ đảm bảo, mô hình chăn nuôi Dê núi của các hộ gia đình đồng bào dân tộc tại huyện Nam Trà My đã và đang được kỳ vọng là hướng đi đúng và mang tính lâu dài để giúp huyện vùng cao sớm thoát nghèo bền vững.
Và bây giờ, khi nói về con vật có thể giúp bà con thoát nghèo bền vững của huyện người ta thường nhắc đến đồng chí Nguyễn Văn Cẩn, một người cán bộ miệng nói, chân đi, tay làm, gần dân, lắng nghe dân nói. Với 54 năm tuổi đời và 36 năm công tác và cống hiến, ở bất kỳ cương vị nào đồng chí cũng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, tận tậm, trách nhiệm, hết lòng hết sức, không ngừng sáng tạo và đã được Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp ghi nhận, khen thưởng với nhiều bằng khen, giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.