Với ta, địa hình khu vực Nước Là được xem là nơi “lý tưởng” để xây dựng căn cứ trung tâm lãnh đạo, chỉ huy của Liên Khu ủy 5: Có những dải đất hẹp, phì nhiêu và màu mở ven sông suối để sản xuất lương thực; có cua đá, cá suối, môn thục, rau dớn... là nguồn thực phẩm dồi dào; là khu vực rừng già với táng rộng, độ che phủ lớn, nhiều tầng, nhiều lớp nên rất khó để các loại máy bay do thám phát hiện từ trên cao; có chỗ tiếp nhận và phân tán lực lượng cán bộ, bộ đội chủ lực từ miền Bắc chuyển vào... những điều kiện thuận lợi trên là cơ sở giúp cho Liên Khu ủy 5 nhanh chóng xây dựng Nước Là thành cơ sở vững chắc, chuẩn bị về mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài, cam go và đầy thử thách.
Với địch, vùng rừng đại ngàn dưới chân núi Ngok Linh là nơi khó thâm nhập cả về việc dùng trực thăng đổ bộ hay bằng các cuộc hành quân càn quét. Khu vực Nước Là được bao bọc bởi những dãy núi cao như Ngok Linh, Ngok Mai, Ngok Kiếp Cang, Ngok Tập, Ngok Dơn... Khi thâm nhập vào khu vực này thì địch dễ rơi vào thế “đi dễ khó về”.
Đầu năm 1960, phong trào Đồng khởi của nhân dân miền Nam đã đưa chế độ Ngô Đình Diệm tới chỗ khủng hoảng nghiêm trọng... Hình thức thống trị bằng chính quyền tay sai độc tài phát xít Ngô Đình Diệm bị thất bại, đế quốc Mỹ buộc phải thay đổi chiến lược, chuyển sang tiến hành “Chiến tranh đặc biệt”, một trong ba loại chiến tranh của chiến lược quân sự toàn cầu “phản ứng linh hoạt” của đế quốc Mỹ, hòng đối phó với cách mạng miền Nam, chiếm lại những địa bàn đã mất.
Trước tình thế đó, ngày 24/01/1961, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng họp đánh giá tình hình miền Nam sau Đồng khởi, khẳng định: “Thời kỳ tạm ổn định của chế độ Mỹ- Diệm đã qua và thời kỳ khủng hoảng liên tiếp, suy sụp nghiêm trọng của nó đã bắt đầu, các hình thức du kích cục bộ, khởi nghĩa từng phần đã xuất hiện, mở đầu cho cao trào cách mạng ngày càng rộng lớn”. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị quyết định phương hướng, nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là: “Đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, tiến công địch cả hai mặt chính trị và quân sự”.
Thực hiện chủ trương của Trung ương, ở Nam Trung Bộ, tháng 02/1961, Liên Khu ủy 5 tổ chức hội nghị đề ra nhiệm vụ làm chủ rừng núi, củng cố và xây dựng căn cứ địa cách mạng, giành lại đồng bằng, tiêu diệt sinh lực địch. Về phương châm đấu tranh ở ba vùng chiến lược, Nghị quyết ghi: “Vùng căn cứ rừng núi đấu tranh vũ trang là chủ yếu, vùng đồng bằng đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang có thể ngang nhau, vùng đô thị đấu tranh chính là chủ yếu”.
Từ thực tiễn chiến tranh ngày càng mở rộng và phát triển, nhiệm vụ chiến đấu, xây dựng mọi mặt, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy chặt chẽ và kịp thời. Tháng 5/1961 Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định tổ chức chiến trường miền Nam thành hai khu. Khu 5 gồm các tỉnh Quảng Trại, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai. Ban Chấp hành Đảng bộ Khu ủy 5 gồm 9 đồng chí, đồng chí Võ Chí Công, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (nguyên Bí thư Liên Khu ủy 5) làm Bí thư Khu ủy 5; đồng chí Trương Chí Cương, Phó Bí thư Khu ủy 5.
Trong năm 1961, qua Đường Trường Sơn, Trung ương đã tăng cường cho Liên khu 5 đoàn cán bộ làm nòng cốt để thành lập Bộ Tư lệnh Quân khu 5, trong đó có các đồng chí Nguyễn Đôn, Võ Thứ (Ngọc), Đặng Hòa… Đầu tháng 7/1961, Khu 5, Khu 6 tiếp nhận lực lượng tăng cường từ miền Bắc vào gồm 1 cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu, 2 cơ quan Bộ Tư lệnh phân khu, 104 cán bộ chủ trì và thành lập cơ quan, 3 tiểu đoàn thực binh, 5 khung tiểu đoàn tập trung, 12 khung đại đội độc lập, 1 đại đội và 2 trung đội thông tin; 1 đại đội và 2 khung đại đội vũ trang tuyên truyền, 5 đại đội đặc công và một số đại đội chuyên môn khác; lực lượng vũ trang Khu 5 tại chỗ này có 14 đại đội tập trung (có 6 đại đội người dân tộc), 93 trung đội (trong đó có 71 trung đội người dân tộc), 37 tiểu đội, 46 đội vũ trang công tác (31 đội ở đồng bằng, 15 đội ở vùng dân tộc) và các đơn vị 1 đại đội đặc công, 2 đại đội bộ binh (1 đại đội người dân tộc) 1 bộ phận trinh sát, liên lạc trợ chiến trực thuộc Khu.
Để tăng cường chỉ huy các lực lượng vũ trang và nhân dân tiến hành đấu tranh với địch, trước mắt tập trung cho nhiệm vụ mở ra ở đồng bằng, ngày 27/7/1961, tại Căn cứ Nước Là, Bộ Tư lệnh và các cơ quan Quân khu 5 được thành lập, các phòng: Tham mưu, Chính trị và Phòng Hậu cần thuộc Bộ Tư lệnh cũng được thành lập. Đồng chí Nguyễn Đôn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Khu ủy, Bí thư Quân Khu ủy, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5. Đồng chí Võ Thứ làm Tham mưu trưởng; đồng chí Đặng Hòa làm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu; đồng chí Nguyễn Tuấn Tài (Trần Kiên) làm Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu. Đồng thời, Khu ủy 5 công bố quyết định lâm thời chỉ định Quân Khu ủy 5, gồm các đồng chí: Nguyễn Đôn, Võ Thứ, Đặng Hòa, Nguyễn Tuấn Tài (Trần Kiên), Dương Loan (Liên). Đồng chí Nguyễn Đôn làm Bí thư Khu ủy 5 kiêm Bí thư Quân Khu ủy.
Về tổ chức Đảng, Quân Khu ủy chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Khu ủy 5 và Quân ủy Trung ương. Quân Khu ủy gồm những đồng chí được Khu ủy cử ra trực tiếp lãnh đạo lực lượng vũ trang về mọi mặt. Nhiệm vụ của Quân Khu ủy là giúp Khu ủy 5 chỉ đạo đấu tranh vũ trang và xây dựng lực lượng vũ trang.
Ngay sau khi được thành lập, trong hai ngày 28 và 29/7/1961, Quân Khu ủy 5 tiến hành Hội nghị ra nghị quyết về những nhiệm vụ trước mắt của Quân khu (đây là hội nghị đầu tiên của Quân Khu ủy trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước). Hội nghị đã quán triệt nghị quyết của Thường vụ Khu ủy (tháng 6/1961): “Khẩn trương xây dựng lực lượng, củng cố và mở rộng căn cứ miền núi, phá thế kìm kẹp để tiến lên giành lại đồng bằng”.
Về tổ chức lực lượng, Quân Khu ủy quyết định nhanh chóng biên chế các đơn vị mới từ miền Bắc vào, sáp nhập các đơn vị đã có của Khu vào các đơn vị mới, rút một số chiến sĩ trong các đơn vị tập trung của các tỉnh để bổ sung cho chủ lực. Trên cơ sở đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 sắp xếp biên chế lực lượng tập trung của Quân khu gồm 6 tiểu đoàn bộ binh, gồm: tiểu đoàn 20, 30, 50, 60, 70, 90; 2 tiểu đoàn trợ chiến 200, 3000 và 2 đại đội đặc công. Lực lượng vũ trang tỉnh tổ chức đến đại đội bộ binh và binh chủng. Ở huyện tổ chức trung đội, xã tổ chức tiểu đội đến trung đội dân quân (du kích), thôn tổ chức tiểu đội dân quân (du kích).
Việc thành lập Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tại căn cứ địa cách mạng Nước Là là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn đối với chiến trường Khu 5, góp phần làm nên những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Ý kiến bạn đọc