Câu hỏi 1: Tại sao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội lại có nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội?
Trả lời:
Đảng ta là Đảng duy nhất cầm quyền, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, trung thành với lợi ích của giai cấp, của nhân dân và của cả dân tộc. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân.
MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội có chức năng đại điện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Để đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đúng đắn, hợp lòng dân phải phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Như vậy xuất phát từ yêu cầu tự thân, khách quan, trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hôi được giao nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội là một tất yếu.
Xuất phát từ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, XII đều khẳng định phải xây dựng cơ chế, quy định để phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Thực tiễn 6 năm qua đã khẳng định Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Quyết định số 218-QĐ/TW về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Bộ Chính trị là đúng đắn, phù hợp.
Câu hỏi 2. Các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội?
Trả lời:
a. Các hình thức giám sát của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội:
Theo quy định tại Điều 27 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, có bốn hình thức giám sát cơ bản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là:
1- Nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
2- Tổ chức đoàn giám sát.
3- Thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng.
4- Tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền
b. Các hình thức phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội:
Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định ba hình thức phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là:
1- Tổ chức hội nghị phản biện xã hội.
2- Gửi dự thảo văn bản được phản biện đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến phản biện xã hội.
3- Tổ chức đối thoại trực tiếp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan, tổ chức có dự thảo văn bản được phản biện xã hội.
Câu hỏi 3: So sánh sự khác nhau giữa giám sát của MTTQ Việt Nam và giám sát của cơ quan dân cử?
Trả lời:
- Về chủ thể giám sát:
+ Chủ thể giám sát của MTTQ Việt Nam: Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, tổ chức chính trị - xã hội khi được Ủy ban MTTQ Việt Nam đề nghị; các tổ chức thành viên khác tham gia hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam.
+ Chủ thể giám sát của cơ quan dân cử: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Về nội dung giám sát:
+ Nội dung giám sát của MTTQ Việt Nam là việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (trừ những trường hợp thuộc bí mật quốc gia) của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong đó trọng tâm là việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, trong đó có cả các cơ quan, tổ chức của Đảng và đảng viên.
+ Nội dung giám sát của cơ quan dân cử: là việc thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm trong bộ máy nhà nước và không bao gồm các cơ quan, tổ chức của Đảng và đảng viên.
- Về tính chất của giám sát:
+ Tính chất của giám sát của MTTQ Việt Nam là tính xã hội, tính nhân dân.
+ Tính chất giám sát của cơ quan dân cử: tính chất cơ bản, bao trùm nhất là tính quyền lực nhà nước
Câu hỏi 4. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp dưới có phải thực hiện nội dung giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp trên không?
Trả lời:
MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội cấp dưới thực hiện nội dung giám sát của cấp trên khi được hướng dẫn, yêu cầu phối hợp hoặc tổ chức thực hiện giám sát gửi báo cáo kết quả lên cấp trên để tổng hợp.
Từng cấp Mặt trận Tổ quốc căn cứ yêu cầu nhiệm vụ của địa phương để chủ động xây dựng kế hoạch giám sát hằng năm.
Câu hỏi 5. MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội có được tổ chức các hoạt động giám sát ngoài kế hoạch giám sát hằng năm đã ban hành không?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 1, Điều 2, NQLT số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội lựa chọn vấn đề và xác định hình thức giám sát phù hợp để xây dựng kế hoạch giám sát hàng năm. Ngoài ra kế hoạch giám sát có thể được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế hoặc khi có vấn đề phát sinh đột xuất.
Tuy nhiên, dù là giám sát theo kế hoạch hay giám sát khi có vấn đề phát sinh đột xuất, thì khi xây dựng kế hoạch giám sát, MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội cần trao đổi, thống nhất với các bên về nội dung, lĩnh vực, địa bàn và thời gian thực hiện (theo quy định tại Khoản 3, 5, Điều 3 của NQLT số 403).
Câu hỏi 6. Ủy ban MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội từng cấp nên lựa chọn cách làm giám sát thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền như thế nào cho hiệu quả?
Trả lời:
Giám sát thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền là hình thức giám sát thường xuyên của MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu về việc ban hành văn bản để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội ở các cấp là rất lớn. Vì vậy, để việc triển khai hình thức giám sát này đạt hiệu quả, Ủy ban MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp nên lựa chọn giám sát đối với văn bản của cơ quan có thẩm quyền cùng cấp hoặc cấp dưới cho phù hợp với điều kiện và sát với yêu cầu thực tế của từng địa phương.
Ví dụ: Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh nên giám sát đối với văn bản của HĐND, UBND, các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã nên giám sát đối với văn bản của HĐND, UBND, các phòng, ban cùng cấp. Qua giám sát cũng đối chiếu với văn bản của cấp trên để phát hiện những vướng mắc, bất cập để kiến nghị.