Khu vườn rộng hơn 2.000m2 của vợ chồng nông dân Ca Dong Võ Hồng Sơn (thôn 1, xã Trà Mai) là một trong những mô hình kinh tế vườn hiệu quả tại Trà Mai.
Từ nhiều năm trước, vợ chồng ông đã biết tận dụng quỹ đất đang có, mua giống và trồng hơn 500 gốc bưởi, hiện đã cho quả. Trong vườn, ông đào thêm ao thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi heo, thả gà, vịt… Đến nay, mỗi năm vợ chồng ông thu về vài chục cho đến hàng trăm triệu đồng từ sản phẩm trong vườn.
Năm 2023, vườn của ông Sơn được huyện phê duyệt hỗ trợ theo NQ 35 của HĐND tỉnh về phát triển KTV, KTTT để đầu tư bể tưới nước, hệ thống ống tưới.
Tuy nhiên, không phải địa phương nào ở Nam Trà My nào cũng có điều kiện để phát triển kinh tế vườn như tại xã Trà Mai. Như ở Trà Cang, với địa hình đặc thù là đồi núi, đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sống dựa vào nương rẫy, nên gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận cơ chế từ nghị quyết.
Ông Nguyễn Đỗ Trí - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho hay, địa phương đang nỗ lực tuyên truyền nghị quyết đến với người dân. “Chúng tôi đang tìm giải pháp để người dân tiếp cận được cơ chế, trong đó định hướng triển khai các dự án phát triển kinh tế vườn, trước tiên dựa vào cây trồng bản địa như quế, chuối và một số ít cây ăn quả như mít, cam…” - ông Trí nói.
Hiện xã Trà Cang đang lập hồ sơ đăng ký phát triển 2 mô hình kinh tế vườn. Ngoài đảm bảo các tiêu chí về diện tích, đầu tư hệ thống nước tưới, xã hỗ trợ chủ vườn làm các hồ sơ, thủ tục ban đầu để trình cấp trên thẩm định. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức làm kinh tế vườn trong nhân dân.
Nghị quyết 03 của HĐND huyện Nam Trà My định hướng phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn 10 xã, gồm Trà Dơn, Trà Leng, Trà Mai, Trà Vân, Trà Vinh, Trà Tập, Trà Don, Trà Nam, Trà Cang và Trà Linh.
Để phát triển KTV, KTTT, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành kết nối, hỗ trợ chủ vườn, chủ trang trại liên kết hình thành những khu, điểm du lịch sinh thái trong nông nghiệp, nông thôn, dựa trên cơ sở phát huy thế mạnh về danh lam thắng cảnh, sản phẩm đặc trưng, đặc hữu của địa phương.
Cạnh đó, huyện Nam Trà My cũng nghiên cứu đưa nội dung hỗ trợ phát triển KTV, KTTT gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bằng cách lồng ghép nguồn vốn để hỗ trợ phát triển KTV, KTTT.
Theo ông Trịnh Minh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My, huyện ban hành Nghị quyết vào tháng 3/2022, song do vướng nhiều vấn đề thủ tục, hướng dẫn của cấp trên, nên đến năm 2023, sau khi được UBND tỉnh ban hành Quyết định 1721 (ngày 15/8/2023), huyện mới có thể triển khai thực hiện. Tính đến nay, toàn huyện có 10 dự án được thẩm định trên địa bàn 6 xã.
Năm 2024, huyện Nam Trà My được bố trí nguồn vốn 1,2 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết 35 về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KTV, KTTT. Để giải ngân được nguồn vốn này, địa phương đang tích cực tuyên truyền, triển khai đến bà con nhân dân, đồng thời tìm các giải pháp giúp các hộ đủ điều kiện được tiếp cận cơ chế, chính sách từ nghị quyết để phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Tác giả bài viết: M.LINH - P.THIỆN
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Ý kiến bạn đọc