Ông Nguyễn Vĩnh Hiền - Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My cho biết; đơn vị đã triển khai hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý bảo vệ rừng và PCCC rừng trên địa bàn các xã, tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về Luật Lâm nghiệp nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư, hạn chế việc phá rừng, đốt rừng lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy, khai thác lâm khoáng sản trái pháp luật.
Theo thống kê, đã tổ chức tuyên truyền 22 đợt bằng loa phát thanh với 1.371 lượt người tham gia, trao 50 bình chữa cháy cho các chốt bảo vệ rừng, 1.371 hộ ký cam kết tham gia bảo vệ rừng. Thực hiện 870 đợt tuần tra, kiểm tra, truy quét trên địa bàn các xã, vùng giáp ranh.
Qua công tác tuần tra, kiểm tra đã phát hiện xử lý vi phạm 8 trường hợp sử dụng vật liệu không thân thiện với môi trường rừng. Trong quá trình tuần tra và mật phục, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách các xã còn ngăn chặn kịp thời một số trường hợp vận chuyển vật liệu không thân thiện với môi trường rừng vào rừng tự nhiên.
Tổng diện tích rừng được giao trong lâm phận quản lý là 54.009ha. Trong đó diện tích đất rừng tự nhiên là 41.637ha; diện tích không có rừng là 9.838ha; diện tích rừng trồng là 682,6ha, đất khác là 2.533ha. Hiện nay, đơn vị có 230 hợp đồng lao động chuyên trách được bố trí tại 25 chốt bảo vệ rừng trên địa bàn 10 xã và 1tổ bảo vệ rừng và PCCCR cơ động.
Ông Trần Việt Hà - quản lý chốt bảo vệ rừng xã Trà Tập cho biết; các chốt bảo vệ rừng tổ chức trực 24/24, giám sát chặt việc đốt nương rẫy của bà con, bên cạnh đó nếu có sự cố xảy ra cháy rừng sẽ huy động các nguồn lực Dân quân tự vệ, Đoàn Thanh niên và người dân địa phương phối hợp để dập tắt đám cháy không cho cho cháy lan ra rừng tự nhiên.
“Đa số người dân trên địa bàn huyện Nam Trà My sinh sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, việc đốt rẫy của người dân trong mùa nắng dễ gây cháy rừng, đơn vị phân công lực lượng thường xuyên ứng trực ở 25 chốt bảo vệ rừng, thực hiện tốt 4 phương án tại chỗ khi có sự cố cháy rừng xảy ra” - ông Hiền cho hay.
Ngoài công tác bảo vệ và PCCC rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ còn chú trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển, phục hồi rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trên diện tích lâm phận được giao. Cụ thể, trong năm 2023 đã trồng được hơn 7ha cây dỗi và lim xanh, năm 2024 trồng rừng phân tán 15 ngàn cây dỗi và lim xanh, có 12 hộ tham gia trồng 11ha rừng phân tán, 27 hộ tham gia trồng 17ha rừng gỗ lớn.
Tác giả bài viết: LÊ MINH TRUNG
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Ý kiến bạn đọc