Khi những tia nắng sớm xuyên qua cánh rừng quế, người dân làng Tăk Nầm, xã Trà Mai lại gọi nhau mang quế ra phơi để kịp nắng, và tranh thủ đi lột quế mới.
Chị Hồ Thị Thu Tình hối thúc các con và người làm thức dậy, cơm nước xong lại xốc hành trang vào rừng quế sau nhà. Tháng tư nắng lên sớm, đoàn người làng Tăk Nầm chia nhau vào các rẫy quế của gia đình để kịp mang quế về phơi. Rẫy quế của chị Tình lên tới 5ha, với nhiều loại cây từ vài năm đến vài chục năm tuổi, chị nói, đây là chỗ dựa kinh tế chính của gia đình.
“Quế giúp đỡ cho gia đình rất nhiều, từ cái ăn, cái mặc, cái nhà cái cửa cũng nhờ quế. Năm nay tôi thuê 10 nhân công, thu hoạch được hơn một tạ quế mỗi ngày” - chị Tình chia sẻ.
Ông Nguyễn Đình Bình - Chủ tịch UBND xã Trà Mai cho biết, mỗi năm đồng bào Ca Dong ở Trà Mai trồng mới thêm 50 - 70ha quế, nâng tổng diện tích quế Trà My toàn xã hiện nay lên hơn 1.300ha. Mùa quế năm nay ghi nhận giá cả tương đối ổn định, dao động từ 70 - 85 nghìn đồng/kg quế khô (quế ống).
“Quế Trà My vốn là cây bản địa nên sinh trưởng và phát triển rất tốt, hằng năm, toàn xã thu hoạch đến vài trăm tấn quế, giúp nhiều hộ thoát được cái nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu” - ông Bình nói.
Theo ông Trịnh Minh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My, huyện đã có nhiều chủ trương, chính sách cho người trồng quế. Đến nay, 9/10 xã đã trồng, nhân rộng quế trên quy mô lớn. Riêng các xã Trà Leng, Trà Dơn, Trà Vinh, Trà Vân, Trà Mai đã có những vườn quế đầu dòng, quế đạt chất lượng và sản lượng cao.
“Trên cơ sở số lượng quế tăng lên hằng năm, tạo cơ hội lớn để các tư thương lên làm việc trực tiếp với người dân về việc tiêu thụ sản phẩm. Qua đó bà con thấy sản phẩm làm ra được tiêu thụ và giá trị nâng lên, họ đã mạnh dạng đầu tư và phát triển diện tích hằng năm” - ông Hải cho hay.
Tác giả bài viết: PHÚ THIỆN - MINH TRUNG
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc