Nguy cơ
Xuất hiện nhiều vụ ngộ độc tại các huyện miền núi thời gian qua do người dân sử dụng thực phẩm có chứa độc tố tự nhiên từ nấm độc, hoa quả rừng, cây rừng...
Cạnh đó, việc sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, hoặc ăn uống ở những cửa hàng, cơ sở kinh doanh không đảm bảo, điều kiện chế biến, bảo quản cùng nguồn nguyên liệu chưa được kiểm soát... góp phần gia tăng các vụ ngộ độc tại khu vực này.
Mới đây nhất, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 do Sở Y tế chủ trì đã triển khai công tác kiểm tra tại huyện Nam Trà My, Bắc Trà My. Hoạt động này nhằm đánh giá công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) ở cơ sở cũng như kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh, tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATTP tại khu vực miền núi.
Bà Lê Thị Hồng Cẩm – Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Quảng Nam cho biết, Nam Trà My và Bắc Trà My là hai địa phương có nhiều cơ sở chế biến, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm như sâm Ngọc Linh và các sản phẩm được chế biến từ sâm là rượu, các loại trà, chè…
“Đối với huyện miền núi, điều kiện còn khó khăn nhưng các cơ sở được kiểm tra cũng đã có sự đầu tư hơn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ, đầu tư về mặt hình ảnh, chất lượng sản phẩm. Đoàn ghi nhận nhận thức của các cơ sở ngày càng nâng cao, có lưu giữ hồ sơ pháp lý liên quan, các hợp đồng với nhà cung cấp nguyên liệu, hồ sơ tự công bố sản phẩm…
Tuy nhiên, cũng còn một số sản phẩm ghi nhãn chưa đúng, điều kiện vệ sinh cơ sở chưa đảm bảo theo quy định. Đoàn đã yêu cầu cơ sở thực hiện đúng quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa và đảm bảo các điều kiện vệ sinh” - bà Lê Thị Hồng Cẩm chia sẻ.
Tăng cường tuyên truyền
Để đảm bảo ATVSTP ở khu vực nông thôn, miền núi, điều quan trọng nhất là cần nâng cao nhận thức cho người dân thông qua tuyên truyền rộng rãi.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng cần thường xuyên kiểm tra, có biện pháp xử lý cứng rắn, nghiêm khắc đối với đối tượng, mặt hàng vi phạm, thông tin rộng rãi để người dân biết, tránh mua phải các mặt hàng không đảm bảo gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Theo đó, các địa phương ở khu vực miền núi cần tập trung tuyên truyền biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm đối với người dân.
Cụ thể, không sử dụng các thực vật lạ, có nguy cơ gây ngộ độc như nấm rừng, cây củ, quả rừng lạ... cũng như chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương. Việc truyền thông phải thực hiện bằng cả tiếng Kinh và tiếng dân tộc thiểu số.
Thời điểm tết và lễ hội, nhu cầu sử dụng rượu khá lớn, vì vậy yêu cầu tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc rượu được đặt ra. Chi cục ATVSTP tỉnh khuyến cáo người dân không uống rượu có cồn công nghiệp vì có thể gây mù mắt và tử vong, không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân... Ngoài ra, người dân ở các huyện miền núi tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng..
Nâng cao hiểu biết của người dân về cách sử dụng và lựa chọn thực phẩm tốt cho sức khỏe được Chi cục ATVSTP đặt ra đối với các địa phương miền núi, góp phần mang đến một cái tết an vui.
Các địa phương cần khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng. Địa phương cần hướng dẫn người dân cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn, cách đọc nhãn mác sản phẩm thực phẩm.
Cạnh đó, cần tạo thói quen từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; khai báo khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.
Tác giả bài viết: Lan Anh
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Ý kiến bạn đọc