Trong bản Di chúc để lại cho Đảng ta và Nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Ngày 29/9/1969, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, khẩu hiệu hành động: “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” đã tạo động lực mãnh liệt, có sức hiệu triệu to lớn đối với cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và Nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hiểm nguy để “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” thống nhất giang sơn “Bắc - Nam một nhà”.
Thực hiện lời căn dặn của Người, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã tiên phong, gương mẫu thiết lập mối quan hệ mật thiết giữa “Đảng với Dân”, lãnh đạo Nhân dân tiến hành cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ giành độc lập cho dân tộc, tự do cho Nhân dân, thống nhất đất nước. Trong cuộc đấu tranh trường kỳ, đầy hi sinh, gian khổ đã xuất hiện nhiều tấm gương của các cán bộ, đảng viên kiên trung hết lòng vì nước, vì dân, vì lý tưởng của Đảng đã tác động sâu sắc đến nhận thức, tình cảm và hành động của các tầng lớp nhân dân nên Nhân dân đã tin tưởng vào Đảng, theo Đảng làm cách mạng; hết lòng nuôi dưỡng, che chở, bảo vệ cán bộ, đảng viên, hy sinh cả tài sản, tính mạng để bảo vệ cách mạng, bảo vệ lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ.
Ngày nay, Đảng ta đã trở thành Đảng cầm quyền và đang lãnh đạo chính quyền quản lý toàn bộ xã hội, Đảng luôn quan tâm đến công tác xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của Đảng và đã ban hành nhiều Nghị quyết về công tác này, như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh”; Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị”... Tại Đại hội XIII của Đảng, trong Báo cáo chính trị, Đảng ta đã đề ra mục tiêu tổng quát là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Do vậy, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh và những lời căn dặn trong Di chúc của Người để lại cho toàn Đảng, xây dựng niềm tin của Nhân dân với Đảng, để Nhân dân mãi mãi yêu mến gọi Đảng là Đảng ta một cách tự nguyện, tin tưởng trao gửi quyền lãnh đạo tuyệt đối cho Đảng, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7/11/2006 “Về tổ chức Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Tiếp đó, Bộ Chính trị Ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chỉ thị số 03-CT/TW nêu yêu cầu đối với tổ chức đảng và đảng viên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Sau thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng trong việc lan tỏa, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tư tưởng của tất cả đảng viên, là nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội. Với những nội dung mới, toàn diện và sâu sắc hơn, Chỉ thị số 05-CT/TW thực sự là bước phát triển quan trọng trong tư duy lý luận của Đảng về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đồng thời, Chỉ thị số 05-CT/TW xác định gắn việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với xây dựng văn hóa, xây dựng con người, đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Điều này cho thấy tư duy mới của Đảng trong việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, không chỉ liên quan đến công tác xây dựng Đảng, mà còn gắn kết chặt chẽ với xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Vì vậy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là sự nghiệp của toàn dân, không phải chỉ trong phạm vi nội bộ Đảng.
Hệ thống quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh được xác định rõ, bao gồm các nội dung về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người; về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của Nhân dân, về khối đại đoàn kết toàn dân tộc... Các quan điểm và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bao gồm hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân; tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân...
Phong cách Hồ Chí Minh là sự phản ánh những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức của Người và được thể hiện rất tự nhiên, sinh động, gần gũi. Phong cách Hồ Chí Minh có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ, là một chỉnh thể nhất quán, phát triển theo lô-gíc đi từ suy nghĩ (phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn) đến nói, viết (nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm) tới phong cách làm việc (dân chủ, khoa học, kỹ lưỡng, cụ thể, tới nơi, tới chốn, nói đi đôi với làm), phong cách lãnh đạo (phong cách quần chúng, dân chủ, tự mình nêu gương), phong cách ứng xử (văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân) và phong cách sinh hoạt hằng ngày (thanh cao, trong sạch, giản dị),...
Những nội dung học tập và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chỉ thị số 05-CT/TW đã thể hiện đầy đủ, toàn diện trên cả ba mặt: tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; cho thấy bước phát triển mới trong nhận thức của Đảng, khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Đảng khi ban hành văn bản chính thức đầu tiên của Đảng chỉ đạo việc học tập và làm theo toàn bộ di sản của Bác.
Thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các cấp ủy đảng đã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng, phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên sinh hoạt ở hơn 270 nghìn chi bộ, thuộc gần 60 nghìn tổ chức cơ sở đảng. Đại đa số cán bộ, đảng viên có ý chí rèn luyện, chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, liên hệ mật thiết với Nhân dân, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không chỉ ở nơi làm việc, mà ở cả nơi cư trú, dù khó khăn, gian khổ đến mấy cũng vượt qua; gương mẫu trong việc giải quyết các mối quan hệ hàng xóm láng giềng, quan hệ đồng chí, đồng nghiệp, tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở, khu dân cư…
Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cấp chiến lược của Đảng, Nhà nước không giữ được bản lĩnh chính trị và phẩm chất cách mạng, quên đi lời thề khi được kết nạp Đảng, bị tác động tiêu cực, mặt trái cơ chế thị trường nên đã suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng, không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; không kiên định lý tưởng chủ nghĩa xã hội, nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao, đã bị phát hiện và truy tố trong những năm gần đây, trong đó có những cán bộ, đảng viên giữ cương vị quan trọng trong cơ quan cao nhất của Đảng, của Nhà nước và đứng đầu cấp ủy ở các địa phương.
Ở nhiều chi bộ tồn tại tình trạng cán bộ, đảng viên không vi phạm pháp luật nhưng cũng không tiên phong, gương mẫu đi đầu, thấy sai không đấu tranh, thấy đúng không bảo vệ “dĩ hòa, vi quý”, "mũ ni che tai", giữ an toàn cho riêng mình hoặc bị các doanh nghiệp tư nhân mua chuộc, cám dỗ bởi những lợi ích vật chất tầm thường tiếp tay cho “lợi ích nhóm, cho sân sau” như đã xảy ra trong các vụ án Ban Chỉ đạo Trung ương đang xử lý như: AIC, Việt Á, Giải cứu công dân, đăng kiểm, Phúc Sơn, Thuận An...
Thực tế hiện nay, ở một số tổ chức cơ sở đảng xuất hiện không ít cán bộ, đảng viên là hệ lụy của tư tưởng “con ông, cháu cha, chạy chọt, bổ nhiệm thần tốc”, hạn chế về trình độ, năng lực, đạo đức, lối sống, chỉ chăm lo lợi ích cho cá nhân, thiếu sự gương mẫu trước đồng nghiệp và Nhân dân... Điều này đã tác động không nhỏ đến lý tưởng phấn đấu của quần chúng ưu tú và một bộ phận cán bộ, đảng viên và trở thành lực cản, gây ra mất đoàn kết nội bộ và nhiều hệ lụy khác.
Nhân dân rất công minh, sáng suốt, biết đánh giá đúng sai, biết tin tưởng, kính trọng, gần gũi với những cán bộ, đảng viên tốt vì lợi ích chung và ngược lại Nhân dân xa lánh, khinh ghét những người mà họ nhận thấy kiêu ngạo, thiếu trung thực, không gương mẫu trong công việc và lối sống. Điều đó làm cho lòng tin của Nhân dân đối với một bộ phận cán bộ, đảng viên bị suy giảm, mất đi hình ảnh thiêng liêng của Đảng, của cán bộ, đảng viên trong những năm tháng hào hùng giành độc lập dân tộc, tự do cho Nhân dân.
Do vậy, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, công tác phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân và Nhân dân với Đảng là trách nhiệm của các tổ chức đảng và toàn bộ cán bộ, đảng viên. Tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở cần thực hiện tốt các nhiệm vụ xây dựng Đảng, cụ thể như sau:
1. Cán bộ, đảng viên phải nắm rõ, nắm vững chủ trương, đường lối, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị; tự giác rèn luyện đạo đức, lối sống lành mạnh, nhất là đảng viên là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức. Chủ động, tích cực, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao; thường xuyên rèn luyện nâng cao trình độ chuyện môn, năng lực công tác, kiên định mục tiêu cách mạng, tự giác đi đầu trong mỗi hành động.
2. Thực hiện tốt chế độ tự phê bình và phê bình với tinh thần thẳng thắn, không “dĩ hoà vi quý” trong sinh hoạt, học tập, công tác cũng như cuộc sống đời thường; kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực trong sinh hoạt, học tập và công tác; thực hiện tốt việc học và làm theo gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì lợi ích của dân tộc “đi trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, gương mẫu, dấn thân trở thành tấm gương sáng, trong sạch để Nhân dân tin tưởng, noi theo. Trong sinh hoạt chi bộ thường kỳ và chuyên đề chủ động đề xuất các giải pháp giúp chi bộ hoạt động có hiệu quả, chất lượng nhằm cụ thể hoá các nghị quyết, chỉ thị của Đảng thực sự đi vào cuộc sống.
3. Cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, rèn luyện để có năng lực tuyên truyền, tiên phong về mặt lý luận, tư tưởng trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao và hoạt động xã hội. Đặc biệt, trước những tình huống phức tạp, nhất là âm mưu xuyên tạc, lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch, cán bộ, đảng viên vừa phải thể hiện được bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, vừa phải có được thông tin và kỹ năng thuyết phục, vận động quần chúng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu của các thế lực phản động.
Bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên phải được thể hiện rõ trong lời nói, việc làm, nhất là qua phát ngôn, bày tỏ chính kiến, quan điểm, kể cả thông qua kênh mạng xã hội nên phải nắm rõ, nắm vững, nói, viết, làm theo đúng chủ trương, đường lối, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt nội quy, quy định của cơ quan, đơn vị; gương mẫu đảm nhận những công việc mới, công việc khó do tổ chức giao cho.
4. Tăng cường thực hiện công tác dân vận trong cả hệ thống chính trị, mỗi tổ chức đều có chức năng, nhiệm vụ và phương thức hoạt động riêng, nhưng trong mọi hoạt động của hệ thống chính trị các cấp phải chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục Nhân dân. Bản thân đội ngũ, cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu, thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng, lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của Nhân dân làm thước đo hoàn thành nhiệm vụ để xứng đáng là người cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tác giả bài viết: NGUYỄN VĂN HANH - Tiến sĩ, Phó Chánh Văn phòng cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nguồn tin: tapchimattran.vn
Ý kiến bạn đọc