Thực hiện Quyết định ngày 24/5/1976 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận diễn ra từ ngày 31/1 đến 4/2 năm 1977 tại Thành phố Hồ Chí Minh sau gần nửa thế kỷ kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định thành lập Mặt trận dân tộc phản đế, đây là lần thứ hai tiến hành Đại hội Mặt trận toàn quốc, song là lần có đông đủ đại biểu của mọi giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo của cả nước.
Sau 5 ngày thảo luận, tranh luận sôi nổi, Đại hội quyết định tên của Mặt trận là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông qua chương trình chính trị 8 điểm và Điều lệ của Mặt trận. Điều lệ mới bổ sung: Xây dựng củng cố Mặt trận và các đoàn thể cơ sở. Hệ thống tổ chức Mặt trận gồm 4 cấp: Trung ương, tỉnh, thành phố (trực thuộc Trung ương) huyện (quận), xã, phường là cấp cơ sở1.
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ hai họp từ ngày 12 đến ngày 14/5/1983 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Đại hội lần này có nhiệm vụ "Xác định thật rõ vị trí, chức năng, vai trò của Mặt trận trong hệ thống chuyên chính vô sản và trong cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, để góp phần tích cực và thiết thực hơn nữa vào việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược và bốn mục tiêu mà Đại hội V của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra".
Về đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, Báo cáo chính trị nêu rõ: "Do điều kiện số lượng cán bộ chuyên trách làm công tác Mặt trận chỉ ở mức hạn chế, hoạt động của Mặt trận phải dựa chắc vào sức mạnh của các đoàn thể thành viên và đội ngũ cán bộ không chuyên trách là những vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận, các Ủy viên Ban Chấp hành các đoàn thể, các cán bộ về hưu có năng lực, có sức khỏe và những người tiêu biểu có nhiệt tình trong các giới, các dân tộc, các tôn giáo".
Điều lệ được bổ sung vào Điều 8 như sau: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cử ra:
- Đoàn Chủ tịch và các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch.
- Ban Thư ký gồm Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký và các Ủy viên Thư ký.
- Thành lập các ban chuyên trách từng mặt công tác quan trọng của Ủy ban2.
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể thành lập các tiểu ban chuyên trách từng mặt công tác quan trọng theo sự hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Sau Đại hội, thay mặt Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã ký quyết định thành lập 2 ban chuyên trách gồm:
a. Ban Dân chủ - Pháp luật do Luật sư Phan Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam làm Trưởng ban.
b. Ban Kinh tế - Xã hội do Phó Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam Nguyễn Đức Thuận làm Trưởng ban.
Đại hội III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam diễn ra sau Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đại hội mở đầu cho sự đổi mới. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, trên cơ sở tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW ngày 18/4/1983 của Ban Bí thư "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới" và tổng kết quá trình hành động của Đại hội II, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham khảo kinh nghiệm hoạt động của Mặt trận các nước xã hội chủ nghĩa anh em.
Đại hội III là đại hội tăng cường và đổi mới công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa công tác và tổ chức Mặt trận lên ngang tầm nhiệm vụ chính trị.
Đại hội quyết định, sửa đổi bổ sung Điều lệ để đáp ứng yêu cầu mở rộng khối đại đoàn kết, tăng cường và đổi mới công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia vào tổ chức cũng như các phong trào Mặt trận.
Về đổi mới phương thức hoạt động và củng cố tăng cường tổ chức Mặt trận báo cáo nêu: "Hiện nay, tổ chức Mặt trận Tổ quốc, cả về bộ máy và đội ngũ cán bộ còn yếu, có nơi quá yếu; điều kiện phương tiện hoạt động thiếu thốn nhiều. Phương thức hoạt động còn hành chính, quan liêu, chưa đúng với hoạt động của một tổ chức vận động quần chúng, nhất là một tổ chức chính trị, xã hội rộng lớn nhất3 và yêu cầu:
"Giữa 2 kỳ họp của Ủy ban, bộ phận thường trực phải thông báo cho các Ủy viên tình hình thực hiện công tác Mặt trận và những thông tin cần thiết liên quan đến nhiệm vụ công tác Mặt trận, đề xuất nội dung kỳ họp tới. Mặt khác, phải tạo điều kiện thuận lợi để mỗi Ủy viên Ủy ban đều có thể trực tiếp tham gia hoạt động theo điều kiện, khả năng của mỗi người".
Về công tác cán bộ: "Công tác chuyên trách công tác Mặt trận chỉ nên có số lượng thật cần thiết, trọng chất lượng. Cần phát triển đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm.
Cần có nhiều cộng tác viên có năng lực trên từng lĩnh vực tham gia các ban chuyên đề ở từng cấp, trước hết là ở cấp Trung ương và cấp tỉnh. Tùy theo tình hình cụ thể, từng thời gian, có thể thành lập nhiều ban, nhưng trước mắt cần thiết có ban chuyên đề về Dân chủ - Pháp luật, ban Kinh tế - Xã hội, Ban Công tác Mặt trận cơ sở.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các ban chuyên đề hoạt động, cần có một, hai cán bộ có năng lực am hiểu vấn đề làm nòng cốt trong các ban, đồng thời xây dựng mối liên hệ, hợp tác với các bộ phận chuyên trách của các tổ chức thành viên với các cơ quan, phụ trách về pháp luật kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, kỹ thuật".
Điểm a Điều 8 của Điều lệ quy định: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định thành lập các ban giúp việc cần thiết của Ủy ban Trung ương.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập các ban giúp việc cần thiết theo sự hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận.
Thực hiện các nhiệm vụ do Đại hội IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã ra sức phấn đấu tiếp tục đạt được những thành tựu mới, tạo thêm những chuyển biến mới.
Về đổi mới tổ chức và phương thức hành động, qua 5 năm phấn đấu, ở Trung ương và địa phương đã tổ chức một số Hội đồng tư vấn, ban chuyên đề, bước đầu có chương trình, kế hoạch hoạt động có hiệu quả rõ rệt. Báo cáo yêu cầu "Tiếp tục phát triển các hình thức hoạt động, không chuyên như: Các Hội đồng tư vấn, các ban chuyên đề, các chuyên gia, các cộng tác viên là cán bộ đương chức hoặc đã nghỉ hưu, trong Đảng và ngoài Đảng có tâm huyết, có trình độ, có kinh nghiệm, có điều kiện... và được Nhân dân tín nhiệm. Có biện pháp động viên, bồi dưỡng các đối tượng tham gia”.
Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bổ sung Điều 17 Tổ chức tư vấn, cộng tác viên với nội dung:
1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp thành lập các tổ chức tư vấn, mở rộng cộng tác viên miền, giúp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thực hiện chức năng, quyền hạn.
2. Tổ chức tư vấn là tổ chức không chuyên trách gồm: Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, chuyên gia ở một số lĩnh vực có liên quan đến hoạt động của Mặt trận Tổ quốc.
3. Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc mỗi cấp hướng dẫn, tạo điều kiện cho hoạt động của các tổ chức tư vấn, cộng tác viên của cấp mình.
Báo cáo chính trị tại Đại hội VI nêu rõ:
"Công tác xây dựng, củng cố tổ chức, đào tạo cán bộ và đổi mới phương thức hoạt động được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp coi trọng".
Ở Trung ương, các Hội đồng tư vấn được mở rộng về tổ chức và hoạt động thực tiễn, góp phần tham mưu có chất lượng và hiệu quả cho Đoàn Chủ tịch. Ở một số địa phương cũng đã hình thành tổ chức tư vấn, mở rộng đội ngũ cộng tác viên, phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu trên các lĩnh vực, tiếp tục hướng mạnh về cơ sở.
Để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận, Đại hội yêu cầu: "Cùng với việc tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên trách cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý, cần đẩy mạnh việc xây dựng tổ chức tư vấn, thu hút đông đảo các chuyên gia, các cộng tác viên ở tất cả các cấp nhằm phát huy trí tuệ, năng lực vốn sống kinh nghiệm hoạt động của đội ngũ này, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận".
Đánh giá về hoạt động của các tổ chức tư vấn, Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định:
"Hoạt động của các tổ chức tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã được tăng cường, thu hút năng lực, trí tuệ đóng góp cho sự nghiệp chung.
Tám Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tập hợp vào hội đồng hơn 200 chuyên gia cùng với hàng ngàn cộng tác viên trên mọi lĩnh vực ở địa phương, đã tư vấn, phân loại nhiều nội dung quan trọng rất có ý nghĩa cho quốc kế, dân sinh"4.
Đại hội yêu cầu: "Tập trung xây dựng các Hội đồng tư vấn, lực lượng cộng tác viên của Mặt trận các cấp để thu hút tập hợp trí tuệ trong xã hội vào nhiệm vụ tham mưu, tư vấn cho Ủy ban Mặt trận các cấp thực hiện quá trình đổi mới nội dung, phương thức hoạt động một cách hiệu quả".
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo cáo xác định: "Hoạt động của các Hội động tư vấn, Ban tư vấn tiếp tục được tăng cường, mở rộng lực lượng cán bộ không chuyên trách, đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên, phát huy hiệu quả tư vấn cho Ủy ban Mặt trận các cấp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và hoạt động của Mặt trận"5.
Về hoạt động của các tổ chức, Đại hội yêu cầu:
"Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn của Ủy ban Mặt trận các cấp. Phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên của Ủy ban Mặt trận các cấp, nhất là trong công tác giám sát, phản biện xã hội".
Đánh giá về hoạt động của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định: "Hoạt động của Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng... cơ bản được đảm bảo thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy định và cơ chế tài chính để thực hiện".
Tuy nhiên, báo cáo cũng nêu rõ:
"Ở nhiều địa phương, cơ sở, việc phát huy vai trò của lực lượng tư vấn và cộng tác viên còn hạn chế. Việc củng cố, kiện toàn bộ máy cơ quan chuyên trách của Mặt trận chưa thông nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống và đề ra việc "củng cố hoạt động của các lực lượng tư vấn, cộng tác viên từ Trung ương đến cơ sở".
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội
Qua nhiều lần thay đổi tên gọi và nhiệm vụ, từ Ban Kinh tế - Xã hội (nhiệm kỳ Đại hội II và Đại hội III) sang Ban Công tác cơ sở (Đại hội IV), ban Văn hóa - Giáo dục (Đại hội V) đến Đại hội VI thành lập 8 Hội đồng tư vấn riêng biệt, trong đó Hội đồng tư vấn Xã hội do nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh làm Chủ nhiệm và Hội đồng tư vấn Văn hóa do Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý làm Chủ nhiệm6.
Cuối nhiệm kỳ Đại hội VI, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý nghỉ do bị bệnh suy giảm trí nhớ, Đoàn Chủ tịch quyết định sáp nhập Hội đồng tư vấn Văn hóa vào Hội đồng tư vấn Xã hội theo đề nghị của Ban Thường trực và mang tên Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội và cử đồng chí Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch làm Chủ nhiệm hội đồng.
Như vậy, về thực chất Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội hoạt động từ khóa VII, tức từ tháng 9/2009 đến nay.
Thực hiện Nghị quyết và Chương trình phối hợp và thống nhất hành động của các Đại hội VII, VIII, và IX được sự phân công của Ban Thường trực đã:
a. Làm nhiệm vụ phản biện những dự thảo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực Văn hóa - Xã hội trước khi ban hành và giám sát việc thực hiện những chủ trương chính sách đó khi thi hành.
b. Tư vấn giúp Ban Thường trực về những lĩnh vực được phân công như:
- Tiêu chí danh hiệu "Khu dân cư tiên tiến" và "Khu dân cư xuất sắc", tiêu chí các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt là các phong trào, các cuộc vận động về đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, cứu giúp những người gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, người già cô đơn không nơi nương tựa, về các hình thức và nội dung tự quản tại cộng đồng dân cư.
- Về lĩnh vực văn hóa, đối với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" Hội đồng đã tham mưu giúp Ban Thường trực bổ sung, đổi mới, điều chỉnh một số nội dung, phương thức triển khai cho phù hợp với các loại hình khu dân cư.
- Đối với cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", dựa vào kết quả đạt được, Hội đồng đã tư vấn cho Ban Thường trực mở rộng, quy mô và hình thức vận động để thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế tham gia như: Tháng cao điểm vì người nghèo", "Nối vòng tay lớn" được tổ chức vào ngày 31/12 hàng năm.
Hưởng ứng phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" do Thủ tướng phát động, được Ban Thường trực tạo điều kiện một số thành viên trong Hội đồng đi nghiên cứu ở cơ sở, đã tổ chức hội thảo và kiến nghị với Đoàn Chủ tịch lồng ghép các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" với các chương trình mục tiêu quốc gia.
Về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh.
Thông qua phản biện xã hội đã góp phần xây dựng các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Hội đồng đã được Ban Thường trực mời tham gia vào tổng kết 4 vấn đề đó là:
a. Giải quyết các vấn đề xã hội trong tình hình mới;
b. Đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa;
c. Xây dựng Đảng cầm quyền, đổi mới nội dung phương thức lãnh đạo của Đảng;
d. Vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua 30 năm đổi mới.
Cùng với việc tham gia tập thể, nhiều thành viên của Hội đồng đã tham gia viết bài cho các cơ quan báo chí, nói chuyện trên Truyền hình, Đài phát thanh, giảng dạy cho các lớp cán bộ về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận trong lĩnh vực văn hóa, xã hội...
Cùng với những đóng góp nêu trên, qua 14 năm hoạt động đã bộc lộc những bất cập cần có giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động.
1. Về tổ chức: Sáp nhập văn hóa vào xã hội trong bối cảnh lúc đó là hợp lý, song rút bớt chỉ tiêu từ 50 thành viên xuống 25 thành viên như Hội đồng khác là không hợp lý.
Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) đã xác định: Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần của toàn xã hội và Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: "Phải đối xử với văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị". Vì vậy, đã đến lúc phải tách văn hóa thành một Hội đồng tư vấn độc lập.
2. Song song với các thành viên trong các Hội đồng tư vấn, cần xây dựng đội ngũ cộng tác viên gồm những chuyên gia am hiểu sâu trong từng lĩnh vực để khi cần giám sát và phản biện về lĩnh vực đó, Hội đồng mời cùng tham gia.
+ Hoạt động tư vấn là hoạt động tự nguyện dựa trên cơ sở nhiệt tình và trách nhiệm. Vì vậy, sau mỗi nhiệm kỳ Đại hội, Ban Thường trực cần xem xét để những vị vì những lý do khác nhau ít hoạt động được nghỉ và bổ sung những nhân tố mới.
+ Cần có chính sách đối với các thành viên trong các Hội đồng tư vấn nhằm động viên nhiệt tình trí tuệ, kinh nghiệm của các vị, đồng thời có ngân sách của Mặt trận cho hoạt động của các Hội đồng tư vấn trong giám sát và phản biện xã hội như một số bộ, ban, ngành đã làm.
Chú thích:
1,2. Các bộ phận chuyên trách giúp việc cho cơ quan Mặt trận lúc đó gọi là Vụ, Cục, Phòng như cơ quan Nhà nước.
3. Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ III, trang 54.
4. Ủy ban Mặt trận các địa phương đã có 105 các tổ chức tư vấn với 1250 Ủy viên tham gia cùng đông đảo cộng tác viên.
5. Hội đồng tư vấn Trung ương gồm 7 Hội đồng với 159 thành viên do Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Quý lâm bệnh nên sáp nhập Hội đồng tư vấn Văn hóa vào Hội đồng tư vấn Xã hội thành Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội; cấp tỉnh có 181 Hội đồng tư vấn với 1350 người; cấp huyện có 403 Ban tư vấn với 2.634 người.
6. Từ đại hội VI các vụ chuyên trách đổi tên thành các Ban, các Ban tư vấn đổi thành Hội đồng tư vấn.
Tác giả bài viết: Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nguồn tin: tapchimattran.vn
Ý kiến bạn đọc