1. Trong di sản tư tưởng của mình, khi bàn về vai trò, vị trí, sức mạnh của Nhân dân, Hồ Chí Minh dùng nhiều cách diễn đạt khác nhau về Nhân dân và vai trò của Nhân dân. Người ví “dân như nước, mình như cá”, “ý dân là ý trời”, “Nước lấy dân làm gốc”; “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định Nhân dân đứng ở vị trí trung tâm của quyền lực, “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta đã tỏ rõ - như Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”1; “dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”.
Tư tưởng và triết lý hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm đượm và tỏa sáng giá trị dân chủ, dân là chủ và dân làm chủ, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân chứ không phải của cá nhân anh hùng nào. Trong những giờ phút lịch sử Cách mạng Tháng Tám 1945, chớp thời cơ “ngàn năm có một”, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy đến tột độ sức mạnh toàn dân với ý chí dời non lấp bể: khi thời cơ cách mạng đã tới, dù phải hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập, để toàn dân tộc với khí thế xung thiên quật khởi vùng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân thắng lợi.
Thời khắc lịch sử của Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945) chính là sự kết tinh của tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh vĩ đại của toàn dân tộc để bảo vệ, phát triển thành quả cách mạng, mưu cầu ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
2. Luận bàn về vai trò của Nhân dân và phát huy sức mạnh vĩ đại, vô cùng tận của Nhân dân, trong mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng và Nhân dân, Hồ Chí Minh chỉ dẫn: “Nếu không có Chính phủ thì nhân dân không ai dẫn đường”, “Không có nhân dân thì Chính phủ không có lực lượng”2. Mục đích chiến đấu, lý tưởng cao đẹp của Đảng ta trong vai trò “vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” - như Người nhấn mạnh trong Di chúc - đó là Đảng ta làm cách mạng vì nước, vì dân, để dân tộc được độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Nhưng để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang đó, Đảng - chủ thể được Nhân dân ủy thác quyền lực phải dựa vào dân, phải tổ chức và động viên được lực lượng vĩ đại của toàn dân, đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân. Đề cao vai trò của Nhân dân lên trên hết là sự thể hiện ở tầm cao trên thực tế trách nhiệm của Đảng và của người cán bộ, đảng viên trước Nhân dân và dân tộc.
Đảng phải luôn đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Theo Người, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, vì vậy, việc gì lợi cho dân, dù nhỏ mấy, cũng phải hết sức làm; việc gì hại cho dân, dù nhỏ mấy, cũng phải hết sức tránh. Người cũng nêu lên một triết lý về Dân: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Phục vụ nhân dân là phục tùng chân lý”. Phát huy vai trò, sức mạnh của Nhân dân trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, điều quan trọng đối với Đảng cầm quyền phải xác định rõ sứ mệnh vẻ vang của mình là đem lại lợi ích cho Nhân dân, xây dựng đời sống vui tươi, no ấm, hạnh phúc cho Nhân dân. Nói một cách ngắn gọn, “ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác. Lúc khổ sở, khó khăn thì đảng viên ta đi trước, khi sướng thì đảng viên ta hưởng sau”3.
Người nhấn mạnh “hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân”4.
Vì vậy, chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm lo đến đời sống của Nhân dân. “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”5. Vì thế, suốt cuộc đời, Hồ Chí Minh luôn suy tư, trăn trở và phấn đấu hết sức mình để chăm lo lợi ích cho Nhân dân. Trước lúc đi xa, Người còn căn dặn trong Di chúc: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Phát huy vai trò của Nhân dân đòi hỏi phải xây dựng được quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Dân, phòng chống căn bệnh quan liêu, xa dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ rõ cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Đảng muốn lãnh đạo cách mạng phải liên hệ chặt chẽ với Nhân dân; cách mạng chỉ thắng lợi khi được Nhân dân dốc lòng ủng hộ. Đảng là đội quân tiên phong lãnh đạo, dẫn dắt quần chúng tiến lên nhưng không có nghĩa là Đảng đứng trên quần chúng, mà phải đứng trong đội ngũ của quần chúng và hòa mình, gắn bó mật thiết với quần chúng.
Về mặt thực tiễn ở nước ta, Nhân dân sinh ra Đảng, đồng hành cùng Đảng, đùm bọc, bảo vệ, chở che, nuôi dưỡng Đảng, tạo thành mối liên kết bền chặt “Lòng Dân - Ý Đảng; Ý Đảng - Lòng Dân”. Về mặt thực tiễn, so với Nhân dân thì tỷ lệ đảng viên chỉ là tối thiểu, chỉ là “giọt nước” trong biển cả Nhân dân. Cơ sở xã hội, nền tảng lực lượng vững chắc, gia tài lớn nhất, có giá trị nhất của Đảng cầm quyền là sức Dân, lòng Dân, niềm tin của Nhân dân với Đảng và chế độ. Điều đó đòi hỏi Đảng phải luôn “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”. Từ đó, Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh: “Ta phải liên lạc mật thiết với dân chúng. Không được rời xa dân chúng. Rời xa dân chúng là cô độc. Cô độc thì nhất định thất bại”6.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đem lại địa vị làm chủ cho Nhân dân, và sứ mệnh người phục vụ - “công bộc” cho cán bộ, đảng viên. Sứ mệnh này đã chế định một thực tế là, tuyệt đại đa số cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là đảng viên của Đảng. Dưới chế độ mới, Hồ Chí Minh dùng hai chữ “công bộc”, “đày tớ”, “tôi tớ” để chỉ bổn phận và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong quan hệ với Nhân dân. Bác nói: Khi xưa làm quan là hưởng đỉnh chung, bây giờ chúng ta làm việc cho dân, cho nước gọi là “công bộc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ cho dân. Đó là vinh dự cao nhất”7.
Với vai trò vừa là người lãnh đạo, vừa là người phục vụ Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của Nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”8. Chính vì vậy, trong điều kiện cầm quyền, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng nâng cao trách nhiệm trong vai trò phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân, như chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè dầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”9.
Người không chỉ mẫu mực thực hành nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc mà còn chỉ dạy cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, thực hành suốt đời như vậy. Người luôn tin ở Nhân dân, gần gũi, kính trọng Nhân dân và biết dựa vào Nhân dân để làm cách mạng, sống cuộc sống bình dị của người dân, không xa lạ cách biệt, hòa mình với Nhân dân thành một khối vững chắc.
Trên cương vị Chủ tịch nước, Người đã Kính cáo đồng bào về việc tiếp Nhân dân và các đoàn thể: “Tôi sẽ vui lòng tiếp chuyện đại biểu của các đoàn thể… Xin chú ý: 1) Gửi thư nói trước để tôi sắp xếp thì giờ rồi trả lời bà con, như vậy khỏi phải chờ đợi mất công; 2) Mỗi đoàn đại biểu xin chớ quá 10 vị; 3) Mỗi lần tiếp chuyện xin chớ quá 1 tiếng đồng hồ”. Lời kính cáo của Người thật gần gũi, giản dị và ấm lòng đồng bào, không hề có khoảng cách giữa vị Chủ tịch nước10 với người dân vừa thoát khỏi đêm trường nô lệ11.
Với vai trò lãnh đạo, cầm quyền, để hoàn thành sứ mệnh vẻ vang, Đảng phải tỉnh táo phòng, chống có hiệu quả nguy cơ của đảng cầm quyền, phải biết vượt qua mọi trở lực, chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân, mọi sự tha hóa, biến chất, trong đó kẻ thù không kém phần nguy hiểm như “giặc ngoại xâm” là căn bệnh quan liêu, xa dân. V.I.Lênin - Người thầy cách mạng của Hồ Chí Minh từng chỉ ra, sai lầm lớn nhất, nguy cơ đáng sợ nhất của đảng cầm quyền là tự cắt đứt sợi dây liên hệ với quần chúng. Theo V.I.Lênin, “Chúng ta khốn khổ trước hết về tệ quan liêu. Những người cộng sản đã trở thành những tên quan liêu. Nếu có cái gì sẽ làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó”12.
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến. Vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính”13. Nguy cơ của bệnh quan liêu là rất lớn. Nó không chỉ đưa đến kết quả hỏng việc, mà “làm theo cách quan liêu thì dân oán. Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại”14.
Từ bài học của lịch sử các triều đại, sự hưng thịnh của quốc gia, thành bại của cách mạng, Hồ Chí Minh thấu hiểu Đảng cách mạng nếu “cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”15. Bởi vậy, trong quá trình giáo dục, rèn luyện Đảng ta, Hồ Chí Minh luôn phê phán và kiên quyết đấu tranh phòng ngừa những biểu hiện và việc làm quan liêu, xa dân, mất dân chủ của một bộ phận cán bộ, đảng viên - những người “miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng”, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ”16.
Người phê phán có những cán bộ, đảng viên “xa lạ cách biệt”, sống cuộc sống xa dân, nhũng nhiễu, hạch sách, gây phiền hà cho dân; hoặc có một bộ phận “Cả một đời chỉ loanh quanh ở trụ sở. Sấm ra đá kêu mới gặp dân chúng một lần. Nhưng hễ gặp dân chúng là huấn thoại hàng ngày hàng giờ. Nói bao la thiên địa, nhưng một việc thiết thực của địa phương, của quần chúng cũng không nói đến”. Điều đó cũng góp phần lý giải vì sao, nhiều chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước hợp lòng dân, nhưng khi tổ chức thực hiện vẫn còn “gay trăm bề”, khiến cho việc “tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu” như Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra khi tổng kết công tác xây dựng Đảng. Và vì sao “túi quần đầy thông cáo, túi áo đầy chỉ thị, mà công việc vẫn cứ không chạy”.
Hồ Chí Minh là lãnh tụ từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà phục vụ. Người là biểu tượng của mối quan hệ gắn bó Đảng - Nhà nước với Nhân dân, đặt lợi ích của Dân của Nước lên trên hết, trước hết và không dành gì riêng tư cho mình. Cái gì riêng của Người cũng là chung của Nước, của Dân.
Có biết bao câu chuyện, sự kiện xung quanh cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại và vô cùng cao đẹp của Người đã minh chứng cho điều đó. Tâm sự của Người khiến mỗi chúng ta xúc động xiết bao về tinh thần đó. Người nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh vác việc Chính phủ, tôi lo lắng ngày đêm, nhẫn nhục cố gắng - cũng vì mục đích đó”17.
Biểu hiện sinh động của sự gắn bó máu thịt giữa vị lãnh tụ Hồ Chí Minh với Nhân dân có thể thấy được qua hàng trăm chuyến đi thăm và làm việc của Người với đồng bào, đồng chí, địa phương, cơ sở trong suốt 24 năm trên cương vị Chủ tịch nước. Đó là những gầu nước Người tát với bà con nông dân, hay những khóm lúa Người cấy như những lão nông thực thụ. Hay những bước chân Người nhẹ nhàng dém chăn cho dân công hỏa tuyến đỡ lạnh và ngủ ngon giữa núi rừng Việt Bắc (hình tượng đó đã đi vào bài thơ Đêm nay Bác không ngủ của Nhà thơ Minh Huệ).
Người được UNESSCO vinh danh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, nhưng trên ngực Người không một tấm huân chương, và dưới làn áo mỏng của Người luôn nồng ấm một trái tim vĩ đại vì Dân, vì Nước. Nhân dân ta, dân tộc ta đã dâng tặng Người “Tấm huân chương” cao quý nhất đó chính là lòng tin của Nhân dân vào Đảng và vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Cuộc sống riêng của Người đã hòa làm một với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Trước lúc vĩnh biệt chúng ta, trong Di chúc, Người đề cập về việc riêng nhưng toát lên tinh thần phục vụ, cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp chung: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ Nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
3. Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhân dân và phát huy vai trò, sức mạnh của Nhân dân trong giai đoạn hiện nay để làm người “công bộc” tận tụy của Nhân dân - Đó không chỉ là mệnh lệnh từ trong tâm khảm, trái tim, mà còn là bổn phận và trách nhiệm thiêng liêng của mỗi cán bộ, đảng viên. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về dân chủ, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường mối quan hệ Đảng - Dân đòi hỏi phải luôn “tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”18.
Quá trình đó đòi hỏi toàn Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng, phát huy dân chủ và thật thà tự phê bình trước Nhân dân và hoan nghênh Nhân dân phê bình mình; phải luôn luôn “tự soi, tự sửa”, “tự mình” phải làm gương mẫu để Nhân dân noi theo. Tính tiên phong, gương mẫu là một trong những chuẩn mực đạo đức của người cán bộ cách mạng. Gương mẫu là một giá trị, nét đẹp của văn hóa Đảng.
Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh, để lãnh đạo được quần chúng, mỗi cán bộ, đảng viên “phải làm mực thước cho người ta bắt chước”19; “cán bộ Đảng và chính quyền cần biết lãnh đạo thiết thực và xung phong làm gương mẫu”20; phải là “lúc khổ sở, khó khăn thì đảng viên ta đi trước, khi sướng thì đảng viên ta hưởng sau”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Nhân dân gửi gắm niềm tin vào Đảng thông qua tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên - mà về điều này, theo Hồ Chí Minh “Tốt nhất là miệng nói tay làm”, vì “nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm mà tự mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích”21.
Noi theo tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, về tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân của Người, trong tình hình hiện nay, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác về tinh thần gắn bó máu thịt với Nhân dân phải đưa đến nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, sự trong sạch vững mạnh của tổ chức Đảng và tổ chức của hệ thống chính trị, sức chiến đấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đồng thời, phải kiên quyết phòng, chống những biểu hiện của căn bệnh quan liêu, xa dân, né tránh trách nhiệm, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Noi gương Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm, đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng phải “Chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đây chính là một biểu hiện của tiêu cực, gây nhiều hệ lụy xấu, làm chậm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy cần tập trung chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng này”22.
Tổng kết thực tiễn cách mạng, Đảng đúc kết bài học kinh nghiệm quý giá hàng đầu: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân là gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”23. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”24.
Sau 35 năm đổi mới, Đại hội XIII của Đảng rút ra bài học kinh nghiệm: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm “Dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”25.
Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định: “… ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”26; đồng thời nêu rõ: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân. Cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”27.
Ý thức được vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình, Đảng ta càng cần phải thấm nhuần di huấn của Hồ Chí Minh. Hơn bao giờ hết, càng cần phát huy truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhân dân và phát huy vai trò, sức mạnh của Nhân dân trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
“Bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Nhân dân tiếp nhận, ủng hộ và nhiệt tình tham gia thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng vì thấy đường lối đó đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của mình. Sức mạnh của nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển”28. Đó là một trong những vấn đề có tính quy luật cho sự tồn tại và phát triển của Đảng, cho sự ổn định và phát triển bền vững chế độ chính trị, cho thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 10, tr. 453.
2,9,17. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 64, 65, 272.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 13, tr. 271.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr. 402.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 9, tr. 518.
6,14,15,18,21. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 278, 333, 326, 337, 338, 126.
7,13,16,20. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr. 434, 357, 358, 176, 190.
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 670.
10. Trong những ngày sau Lễ độc lập, tại Bắc Bộ Phủ, Nhân dân Hà Nội và đồng bào khắp các vùng náo nức đến thăm nơi Cụ Hồ ở và làm việc. Đồng bào ta đến gặp Bác rất đông, cao điểm như ngày 7/9/1945, Người tiếp tới 32 đoàn đại biểu.
11. Dưới chế độ cũ, có những vị Vua anh minh, chính tâm, thân dân, đã thấu tỏ sức dân như sức nước, “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc”. Nhưng nhìn chung, Nhà nước thời quân chủ phong kiến là bộ máy của giai cấp bóc lột dùng để thống trị và áp bức Nhân dân. Dân - trong quan hệ với người đứng đầu Nhà nước quân chủ phong kiến - Vua - được mệnh danh “Thiên tử”, “Thế thiên hành đạo”, thì Dân chỉ là thần dân, thứ dân, thảo dân,…
12. V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Matxcova, 1979, tập 54, tr. 235.
22. Theo Báo Đại biểu Nhân dân, số ra ngày 11/5/2023: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
23. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, H.1987, tr.29.
24. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2011, tr.65.
25. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr. 96-97.
26. Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.80.
27. Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Sđd, tr.116-117.
28. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 36-37.
Tác giả bài viết: ĐỖ XUÂN TUẤT - Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh
Nguồn tin: tapchimattran.vn
Ý kiến bạn đọc