Khu vực làng tái định cư Tăk Tố nằm cạnh quốc lộ 40B đi Kon Tum, đầu làng có hàng chục héc ta đất rẫy, nhiều năm nay bà con vẫn canh tác nhưng cho năng suất rất thấp.
Ông Hồ Văn Núi (làng Tắk Tố) cho biết, sau khi Nhà nước có chủ trương hỗ trợ trồng cây đảng sâm, các hộ đã bàn và thống nhất cải tạo khu vực đất rẫy này thành đất canh tác cây dược liệu.
Ông Núi nói: “Khu đất này nếu cứ tiếp tục trồng lúa rẫy thì chắc vài năm nữa sẽ bỏ hoang, vì không đủ ăn, bà con giờ chuyển sang trồng lúa nước, trồng sắn, trồng quế. Giờ nhà nước hỗ trợ giống và kỹ thuật trồng cây đảng sâm nên chúng tôi cố gắng làm để thoát nghèo”.
Ngoài Tắk Tố, huyện Nam Trà My cũng áp dụng mô hình này để hỗ trợ người dân làng Măng Dí (thôn 1, Trà Nam).
Ông Trần Mạnh Tháy - người làng Măng Dí cho biết, làng tái định cư được gần 2 năm nay nên đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con cơ bản ổn định. Từ số cây giống đảng sâm của Nhà nước hỗ trợ, ông Tháy đã cùng các hộ khác trồng trên chính mảnh đất rộng lớn của gia đình.
“Mảnh đất này mình khai hoang từ nhiều năm trước, đã trồng cây đảng sâm và cho năng suất rất cao, thoát được cái nghèo. Nay có giống cây Nhà nước cấp, mình quyết định chia sẻ diện tích đất này lại cho các hộ khó khăn trồng, vừa có thể chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, thu hoạch, cùng nhau vươn lên ổn định cuộc sống” - ông Tháy nói.
Ông Nguyễn Xuân Ba - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Nam Trà My cho biết, dự án hỗ trợ trồng và phát triển cây đảng sâm được huyện Nam Trà My triển khai thực hiện vào cuối năm 2022, trên địa bàn hai xã Trà Don và Trà Nam với tổng diện tích 7ha, năng suất ước đạt 15 tấn (khoảng 2 tỷ đồng).
Đây là dự án thực hiện theo nội dung của Dự án 3 - Tiểu dự án 2, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022.