Bày tỏ đồng tình với thông tin báo cáo của ĐBQH, cử tri Lê Xuân Hà (xã Trà Mai) nêu kiến nghị liên quan đến tộc người Ca Dong trên địa bàn Nam Trà My. Trong suốt các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cộng đồng Ca Dong cùng với đồng bào cả nước đứng lên đánh giặc, giữ đất bám làng.
"Tuy nhiên, hiện nay, tộc người Ca Dong chưa có tên trong danh sách 54 dân tộc anh em khác. Con cháu trong giấy khai sinh ghi dân tộc Ca Dong nhưng bằng cấp khác lại mang dân tộc Xê Đăng. Điều này gây rất khó khăn trong việc đồng nhất hồ sơ của người dân. Vì thế, mong muốn Đảng, Nhà nước có sự quan tâm, công nhận tộc người Ca Dong là một dân tộc riêng có mã số, có định danh theo nguyện vọng của cộng đồng Ca Dong ở Nam Trà My nói riêng và cả nước nói chung" - ông Hà kiến nghị.
Cử tri Trần Hữu Tài (xã Trà Mai) cho rằng, cán bộ địa phương, đặc biệt là cán bộ từ đồng bằng lên công tác tại Nam Trà My cần nâng cao khả năng am hiểu tiếng nói, văn hóa, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời quan tâm đến việc khuyến khích người dân phát triển kinh tế, kịp thời cấp sổ đỏ nhà ở.
"Cần quan tâm đất đai cho người dân để dân có đất ở, có nhà cửa khang trang, xây dựng bộ mặt trung tâm huyện khởi sắc để tiến kịp mục tiêu phát triển Tắk Pỏ thành thị trấn trong tương lai" - ông Tài chia sẻ.
Ông Hồ Văn Liên - Bí thư Đảng ủy xã Trà Tập kiến nghị Trung ương, tỉnh cần tiếp tục triển khai các chương trình, dự án liên quan đến hỗ trợ sắp xếp, bố trí dân cư, ổn định nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời bàn tính việc bố trí phù hợp với phong tục tập quán, điều kiện thực tiễn tại địa phương miền núi.
"Cần quan tâm đầu tư về đương liên thôn, liên xã tạo điều kiện để người dân đi lại thuận lợi, mở hướng giao thương, phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, xây dựng nhà máy sản xuất tinh dầu quế, giúp người dân Nam Trà My có đầu ra, cũng như nâng cao nguồn thu nhập từ dược liệu quế Trà My" - ông Liên nói.
Trình bày với ĐBQH, các cử tri Nam Trà My cũng kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề liên quan đến chính sách cho cán bộ bán chuyên trách, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sâm Ngọc Linh, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ cấp xã. Ngoài ra, quan tâm đến các quy định về Luật Đất đai, tạo điều kiện để người dân có đất canh tác thuận lợi, phát triển kinh tế rừng...
Theo ông Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, liên quan đến việc bảo tồn văn hóa truyền thống, thời gian qua, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy, thông qua việc khôi phục trang phục truyền thống. Tại các điểm trường, khu dân cư, địa phương cũng lồng ghép hỗ trợ kinh phí, đưa các loại hình văn hóa truyền thống của đồng bào miền núi.
"Liên quan đến tộc người Ca Dong, không phải bây giờ, mà từ trước đây, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị, đề nghị Quốc hội công nhận dân tộc cho tộc người Ca Dong. Bởi tộc người Ca Dong có tiếng nói, văn hóa rất khác với dân tộc Xê Đăng, nhưng lại xếp vào dân tộc Xê Đăng. Điều đó gây rất nhiều hệ lụy trong công tác hộ tịch, hồ sơ sổ sách giữa các tộc người trên địa bàn huyện" - ông Phước nói.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước chia sẻ với khó khăn chung của đồng bào miền núi Nam Trà My; đồng thời đề nghị, địa phương cần ghi nhận và kịp thời giải quyết những khó khăn, bức xúc của cử tri trên địa bàn.
Liên quan đến vấn đề tộc người Ca Dong, ông Phước cho biết, bản thân ông cũng theo dõi rất lâu và phản ánh tại nghị trường Quốc hội. Bởi qua thực tế, tộc người Ca Dong có đủ điều kiện để công nhận dân tộc, sẽ tiếp tục kiến nghị Quốc hội quan tâm, xem xét.
Ngoài ra, các kiến nghị của cử tri, bên cạnh trả lời tại chỗ, các vấn đề vượt thẩm quyền, Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp cụ thể để có cơ sở kiến nghị, trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
Tác giả bài viết: ALĂNG NGƯỚC
Nguồn tin: baoquangnam.vn
Ý kiến bạn đọc