Tín dụng chính sách xã hội là việc Nhà nước tổ chức huy động các nguồn lực tài chính để cho vay ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách nhằm tạo việc làm, cải thiện đời sống, hạn chế tình trạng đói, nghèo cho nhóm đối tượng này. Đây là một loại tín dụng mang tính chính sách và là hình thức tín dụng đặc biệt, có những đặc trưng cơ bản là: không vì mục tiêu lợi nhuận; đối tượng cho vay là người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nguồn vốn để cho vay chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước; cơ chế cho vay có tính ưu đãi (như thủ tục cho vay đơn giản, lãi suất thấp, hầu hết chương trình cho vay không phải thế chấp tài sản, có cơ chế xử lý rủi ro...)(1). Hiện nay, tín dụng chính sách xã hội là một trong những công cụ, giải pháp quan trọng của Đảng và Nhà nước trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Tín dụng chính sách xã hội là chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, đã trở thành một “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trong tiến trình đổi mới, thể hiện nổi bật tính ưu việt của chế độ ta. Đây là quyết sách phù hợp với thực tiễn và điều kiện phát triển của Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại, bảo đảm sinh kế và sự phát triển của người dân. Đến nay, tín dụng xã hội đã được triển khai rộng rãi, sáng tạo, hiệu quả trên toàn quốc, thật sự đi vào cuộc sống, mang lại kết quả thiết thực, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Trong nhiều năm qua, nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội đã mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống người dân, thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời góp phần ngăn chặn hiện tượng cho vay nặng lãi, tín dụng “đen”, giúp bảo đảm an sinh, trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào DTTS.
Hiện nay, nước ta có hơn 14 triệu người DTTS, chiếm 14,7% dân số cả nước, cư trú trên tất cả 63 tỉnh/thành phố. Phạm vi vùng DTTS và miền núi hiện nay được xác định theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4-6-2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025” có 3.434 xã(2). Với trên 2/3 số đối tượng diện hộ nghèo, đây được xem là “lõi nghèo” của cả nước. An sinh xã hội là một vấn đề lớn và là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đối với khu vực này, đặc biệt là đối với đồng bào DTTS.
Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận quyền an sinh xã hội với tư cách là quyền cơ bản của công dân. Cụ thể, tại Điều 34, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”; Điều 59, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội”(3). Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1-6-2012, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020” đặt ra mục tiêu: “Ðến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân”(4). Bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong lãnh đạo đất nước.
Về chính sách cụ thể đối với DTTS, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định nhằm phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm và thúc đẩy an sinh xã hội cho đồng bào DTTS thông qua các chương trình, chính sách, như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (Dự án 1: Chương trình 30a, Dự án 2: Chương trình 135); chính sách về giáo dục cho vùng DTTS, như miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú; chính sách hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt; chính sách về bảo hiểm y tế với việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người DTTS vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo; chính sách phát triển văn hóa - thông tin vùng sâu, vùng xa; chính sách hỗ trợ cấp gạo cho các vùng bị thiên tai, thiếu đói... Giai đoạn 2021 - 2026, các chính sách dân tộc đã cơ bản được tích hợp trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19-6-2020, của Quốc hội “Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.
Chính sách của Nhà nước được thực hiện nhằm phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào DTTS theo các mục tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thu nhập, dịch chuyển cơ cấu lao động; giảm nghèo; bảo đảm giáo dục tối thiểu; bảo đảm y tế tối thiểu; bảo đảm nhà ở tối thiểu; bảo đảm nước sạch và vệ sinh môi trường; bảo đảm tiếp cận thông tin và trợ giúp khẩn cấp. Trong hệ thống chính sách này, bên cạnh ngân sách cho đầu tư, hỗ trợ trực tiếp thì tín dụng chính sách có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong cấu thành hệ thống chính sách, nhất là các nội dung về cải thiện điều kiện sống (nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt), phát triển sản xuất (nông, lâm nghiệp) và thương mại, giải quyết việc làm, hỗ trợ giáo dục,... qua đó góp phần thúc đẩy hiệu quả việc thực hiện chính sách dân tộc trên quan điểm phát huy nội lực và tinh thần vươn lên của đồng bào DTTS.
Thực hiện tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Những ưu điểm nổi bật
Về cơ chế, chính sách: Nhìn chung, chính sách tín dụng ưu đãi dành cho đồng bào DTTS được ban hành với mục tiêu rõ ràng, cơ bản phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Ngoài đối tượng chung là hộ DTTS nghèo, đối tượng cho vay còn được mở rộng đến đối tượng học sinh, sinh viên DTTS nghèo, hộ cận nghèo, hộ kinh doanh tại vùng khó khăn(5)... Mục đích vay cũng đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của hộ nghèo nói chung và hộ nghèo DTTS nói riêng, kịp thời hỗ trợ khó khăn cho người dân, như vay làm nhà ở, hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu lao động... Thời gian vay vốn được linh hoạt tùy thuộc vào mục đích, nội dung vay; lãi suất đa dạng được điều chỉnh theo từng thời kỳ tùy theo mục đích, đối tượng vay vốn; thời gian ân hạn ưu đãi, phù hợp đã thúc đẩy nhu cầu vay vốn đầu tư của đồng bào DTTS.
Về mô hình quản lý và tổ chức thực hiện: Ngân hàng Chính sách xã hội bảo đảm việc chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ, phối hợp với các cấp chính quyền và các hội, đoàn thể trong triển khai thực hiện chính sách tín dụng. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát hoạt động và hiệu quả vay vốn tín dụng được thực hiện thường xuyên, có sự phối hợp hiệu quả giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và cả xã hội tham gia vào thực hiện chương trình xóa đói, giảm nghèo.
Về tác động, hiệu quả chính sách: Hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong tín dụng chính sách và là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế quan trọng, tạo điều kiện kích thích người nghèo sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống. Tính đến ngày 30-6-2023, đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, tổng doanh số cho vay đạt 87,9 nghìn tỷ đồng, dư nợ đạt 107,97 nghìn tỷ đồng, số khách hàng dư nợ trên 2,8 triệu với 20,6 triệu lượt khách hàng vay vốn. Khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các hộ nghèo, cận nghèo DTTS đã tăng rõ rệt, số lượng hộ nghèo DTTS được vay vốn ngày càng nhiều, dòng vốn luân chuyển cho vay ngày càng tăng.
Việc quản lý, sử dụng tiền vay của các hộ hầu hết có hiệu quả, phần lớn sử dụng đúng mục đích, trả nợ đúng hạn. Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS đã sửa sang, nâng cấp được nhà ở, ổn định đời sống, đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ và từng bước thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo DTTS đã giảm đáng kể trên toàn quốc, riêng huyện nghèo diện 30a giảm từ 3 - 4%/năm.
Một số hạn chế
Một là, cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự hợp lý và bảo đảm tính bền vững, nguồn vốn cho vay ngắn hạn đang chiếm tỷ lệ lớn trong khi mục đích sử dụng vốn của người dân chủ yếu là trung và dài hạn. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tại một số tỉnh còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Nhu cầu vay vốn thực tế các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 30-1-2022, của Chính phủ, “Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình” tại các địa phương chưa phù hợp với kế hoạch khi xây dựng chương trình.
Hai là, một số chính sách tín dụng áp dụng chung trên toàn quốc nên chưa phù hợp các loại đối tượng và đặc điểm vùng, miền dẫn đến làm giảm hiệu quả chính sách. Chính sách tín dụng trong chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình DTTS còn nhiều trùng lắp về địa bàn, đối tượng, nhưng chưa được phân tách một cách phù hợp.
Ba là, cơ chế, chính sách còn thiếu sự gắn kết giữa nhu cầu dài hạn cho phát triển với giải quyết nhu cầu vay vốn cụ thể, trước mắt, thiếu sự lồng ghép, tích hợp chính sách ban hành sau với chính sách đã có, đang phát huy hiệu quả cho cùng nhóm đối tượng... Thiếu sự đồng bộ, kịp thời trong thực hiện chính sách tín dụng kết hợp chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, như yêu cầu cần thực hiện cùng thời điểm khi hỗ trợ làm nhà ở, phát triển sản xuất,... đồng bộ với công tác đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân. Chưa rõ trách nhiệm chủ trì và phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn (khuyến công, nông, lâm, ngư,...) trong việc thực hiện dạy nghề, hướng dẫn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi nghề đối với hộ vay vốn, nên hiệu quả sử dụng vốn vay còn hạn chế, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bốn là, chính sách tín dụng hỗ trợ hộ gia đình sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp còn chưa đủ sức hấp dẫn thu hút đầu tư vào khu vực miền núi, dân tộc. Nhất là các mô hình, dự án, hoạt động sản xuất theo chuỗi liên kết sản xuất và thị trường, liên kết giữa doanh nghiệp, người dân và nhà cung cấp tín dụng. Ngay cả Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26-4-2022, của Chính phủ, “Về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025” cũng đã bộc lộ một số hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi, đổi mới trong cơ chế, chính sách theo tinh thần Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18-11-2019, của Quốc hội, “Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” đã đề ra.
Năm là, nguồn lực thực hiện tín dụng ưu đãi cho người nghèo, hộ đồng bào DTTS, các đối tượng xã hội khác còn hạn chế nên mức độ bao phủ chưa toàn diện, chưa đáp ứng được nhu cầu, tiếp sức cho các hộ muốn thoát nghèo đẩy mạnh phát triển sản xuất, tránh tái nghèo.
Một số giải pháp thời gian tới
Trong quá trình chuyển đổi phát triển kinh tế hiện nay, tín dụng chính sách xã hội ngày càng có vị trí quan trọng với vai trò là công cụ thúc đẩy, nhất là đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Điều này thể hiện rõ trong Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, Kết luận số 06-KL/TW, ngày 10-6-2021, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014”. Nghị quyết số 88/2019/QH14 “Phê duyệt đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030” đã chỉ rõ yêu cầu nhiệm vụ đối với chính sách tín dụng “Đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số”(6). Đây là cơ sở quan trọng cho việc thực hiện định hướng chính sách dân tộc trong giai đoạn mới “giảm cho không, tăng cho vay và cho vay có điều kiện” trong hoạt động tín dụng chính sách vùng đồng bào DTTS. Theo đó, trong thời gian tới cần triển khai thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nghiên cứu xây dựng đề án về lồng ghép việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách an sinh xã hội khác, bảo đảm cả tính trước mắt và lâu dài, tính kế hoạch, chủ động, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, thiếu sự kết nối như hiện nay.
Thứ hai, rà soát, xác định lại đối tượng, địa bàn rõ ràng, thống nhất để làm cơ sở xây dựng, điều chỉnh chính sách tín dụng, bảo đảm tính phù hợp các nội dung chính sách, phù hợp đặc điểm kinh tế - xã hội và đặc tính, tâm lý dân tộc vùng, miền (ít nhất cho ba vùng, đó là miền núi phía Bắc và các tỉnh duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ). Đặc biệt, trong công tác rà soát, đánh giá nhu cầu đối tượng bảo đảm tính chính xác nhất định làm cơ sở xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách.
Thứ ba, cơ cấu lại hệ thống chính sách tín dụng theo hướng tích hợp, tăng định mức chính sách và bảo đảm phù hợp vùng, miền; tăng cường chính sách hỗ trợ tín dụng đối với các hoạt động sản xuất theo chuỗi, liên kết hợp tác nhằm thay đổi phương thức sản xuất. Trong đó, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hợp tác, hộ làm kinh tế khá, giỏi làm nòng cốt với quan điểm lấy người khá để hỗ trợ người nghèo, thay đổi quan điểm chỉ có tín dụng hộ nghèo.
Thứ tư, trong công tác điều hành và quản lý; chỉ đạo lồng ghép các chính sách trên cùng một địa bàn, giải ngân kịp thời, nhất là giữa vốn nhà nước cấp với vốn vay hoặc giữa vốn vay với vốn hỗ trợ của chương trình, dự án khác (nhất là tín dụng cho các hoạt động sản xuất), bảo đảm tính đồng bộ tạo thuận lợi cho người dân thực hiện. Tăng cường phối hợp giữa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của tổ chức, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức hội, đoàn thể với hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội để việc sử dụng vốn của người vay hiệu quả, thoát nghèo bền vững.
Thứ năm, tăng cường trách nhiệm quản lý và phối hợp giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với ban dân tộc, các sở, ngành chuyên môn, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã hội trong công tác vận động tuyên truyền, tổ chức thực hiện chính sách tín dụng trên địa bàn; quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác thống kê, rà soát, cập nhật tiêu chí bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong thực hiện chính sách./.
--------------------------
(1) Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp quốc gia Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, tháng 8-2023, tr. 11
(2) Theo tiêu chí chỉ tính các xã có tỷ lệ dân số dân tộc từ 15% trở lên
(3) Xem: Hiến pháp năm 2013, https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2013/12/hp.pdf
(4) Xem: Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1-6-2012, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”
(5) Xem: Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1-6-2012, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020”
(6) Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến ngày 30-6-2023 đã có gần 31 nghìn lượt khách hàng là đồng bào các dân tộc thiểu số vay vốn trên 1.564 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt trên 1.121 tỷ đồng; dư nợ đạt 3.460 tỷ đồng với trên 86 nghìn hộ còn dư nợ. Bình quân 1 hộ dân tộc thiểu số dư nợ đạt trên 50 triệu đồng/bình quân chung toàn quốc là 45 triệu đồng
Tác giả bài viết: TS NGUYỄN LÂM THÀNH Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Theo Tạp chí Cộng sản
Nguồn tin: tapchimattran.vn
Ý kiến bạn đọc