Quan điểm của Đảng về tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương

Thứ tư - 18/12/2024 03:18 14 0
Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương luôn là quan tâm hàng đầu của Đảng ta. Trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đặt mục tiêu và định hướng cho việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó, Nghị quyết nhấn mạnh đến việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Bài viết làm rõ quan điểm của Đảng qua các kỳ đại hội và phân tích định hướng đổi mới tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương trong bối cảnh hiện nay.
Hội nghị Trung ương sáu Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 "về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới"_ Ảnh: TTXVN
Hội nghị Trung ương sáu Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 "về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới"_ Ảnh: TTXVN

1. Nhận thức chung về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở Việt Nam

Chính quyền địa phương (CQĐP) là một bộ phận hữu cơ hợp thành của Nhà nước, được tổ chức ở các đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi địa phương theo quy định của pháp luật(1).

Tổ chức và hoạt động của CQĐP trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt. Thời gian qua, các cấp CQĐP đã không ngừng được hoàn thiện, ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước. Hiện nay, có thể nhận diện một số đặc điểm nổi bật của CQĐP như sau: Thứ nhất, về mặt tổ chức, CQĐP được bố trí tại các đơn vị hành chính phù hợp với đặc thù của từng địa bàn như đô thị, nông thôn, hải đảo, và các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Thứ hai, CQĐP là các pháp nhân công quyền, được thành lập một cách hợp pháp theo quy định của pháp luật. Thứ ba, CQĐP tại các đơn vị hành chính khác nhau sẽ thực hiện các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn khác nhau theo quy định của pháp luật.

Tổ chức của CQĐP ở Việt Nam hiện nay có các mô hình chính: Mô hình ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã; mô hình ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn; mô hình ở hải đảo gồm huyện, xã; và mô hình ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Hoạt động của CQĐP là tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước ở địa phương, tương ứng với thiết chế cơ quan HĐND và cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương là UBND. Việc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước của CQĐP theo hai chức năng cơ bản, đó là:

Một là, chức năng của cơ quan đại diện - quyết nghị và giám sát, gồm:

Chức năng quyết định các vấn đề của địa phương do luật định, đó là việc hoạch định các chính sách và ban hành các quy định để cộng đồng người dân địa phương phải thực hiện.

Chức năng giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn. Giám sát là hoạt động tất yếu của cơ quan đại diện (HĐND) phải thực hiện để bảo đảm quyền lực thực sự của nhân dân khi đã ủy quyền cho cơ quan đại diện. Theo đó, HĐND giám sát đối với UBND, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, HĐND cấp dưới trực tiếp.

Hai là, chức năng của cơ quan hành chính nhà nước (UBND) - hoạt động chấp hành và điều hành, gồm:

Chức năng chấp hành: CQĐP có trách nhiệm tổ chức thực thi Hiến pháp, pháp luật và các nghị quyết của cơ quan đại diện, chịu sự giám sát của cơ quan đại diện cùng cấp. Cơ quan đại diện có quyền chất vấn các thành viên của cơ quan hành chính nhà nước và đình chỉ, bãi bỏ những văn bản của cơ quan hành chính cùng cấp nếu cho rằng những văn bản này có vi phạm pháp luật.

Chức năng điều hành: Cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương là thiết chế hoạt động thường xuyên, liên tục, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên các mặt của đời sống xã hội ở địa phương theo quy định của pháp luật, theo phân cấp, ủy quyền và chỉ đạo của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.

2. Quan điểm của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương

Quan điểm của Đảng ta về việc xây dựng và đổi mới tổ chức và hoạt động của CQĐP không ngừng được bổ sung, phát triển, định hình theo hướng chiến lược lâu dài nhằm hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của CQĐP tại Việt Nam. Tại Đại hội VI, VII, VIII, IX, đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, bao gồm CQĐP, luôn là nội dung được Đảng quan tâm chỉ đạo. Đại hội X (năm 2006) xác định: “Phân cấp mạnh, giao quyền chủ động hơn nữa cho chính quyền địa phương, nhất là trong việc quyết định về ngân sách, tài chính, đầu tư, nguồn nhân lực, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Trung ương”(2). Đồng thời, Đảng nhấn mạnh việc “Nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi được phân cấp. Phát huy vai trò giám sát của hội đồng nhân dân”(3).

Đảng đề ra nhiệm vụ “Tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân định lại thẩm quyền giữa chính quyền ở nông thôn, đô thị, và hải đảo”(4), đồng thời xác định cần điều chỉnh cơ cấu của CQĐP sao cho phù hợp với sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ. Đảng nhấn mạnh sự cần thiết trong việc phân biệt rõ sự khác nhau giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị để tổ chức bộ máy phù hợp, đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và kiểm tra hoạt động của chính quyền cơ sở, nghiên cứu việc giảm HĐND cấp quận. Chủ trương này tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 1-8-2007 của Hội nghị Trung ương 5 khóa X, tập trung vào việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Đến Đại hội XI, dựa trên đánh giá những bất cập, hạn chế trong thực tiễn tổ chức và hoạt động của CQĐP, Đảng ta nhấn mạnh việc phân cấp hợp lý cho CQĐP, đi đôi với nâng cao chất lượng quy hoạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát từ trung ương, gắn với quyền hạn được giao. Đảng đề ra quan điểm: “tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp, tiếp tục thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân tại các huyện, quận, phường; nghiên cứu tổ chức chính quyền đô thị, hải đảo”(5).

Nội dung xây dựng, hoàn thiện tổ chức, hoạt động của CQĐP cũng được đề cập trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, cụ thể là: “Tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường; đại hội đảng các cấp trực tiếp bầu bí thư cấp ủy; nhân dân trực tiếp bầu người đứng đầu chính quyền cấp xã; nhất thể hóa hai chức danh bí thư cấp ủy và chủ tịch ủy ban nhân dân. Trên cơ sở đó, lựa chọn phương án phù hợp, hiệu quả, góp phần đổi mới phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhất là dân chủ trực tiếp”(6).

Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đặt ra nhiệm vụ cần phải tiếp tục: “rà soát lại bộ máy các sở, ban, ngành ở địa phương để kiện toàn các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Chú ý phân biệt rõ mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn”(7).

Đại hội XII của Đảng đã nhìn nhận, đánh giá khách quan những kết quả đạt được: “Tổ chức thí điểm đổi mới về tổ chức chính quyền địa phương được tập trung chỉ đạo và tổng kết, rút kinh nghiệm” và “Cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước được xác định rõ hơn và trong tổ chức thực hiện đã có những bước tiến nhất định”(8). Tuy nhiên, những tồn tại, hạn chế vẫn còn, đó là “Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương chậm đổi mới; hiệu lực, hiệu quả ở nhiều nơi chưa cao. Trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền chưa được quy định rõ ràng”(9). Từ đó, Đại hội đề ra nhiệm vụ: “Trên cơ sở bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính quốc gia, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước của mỗi cấp chính quyền địa phương theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương gắn kết hữu cơ với đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp. Hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo luật định”(10).

Tiếp tục xác định nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là của CQĐP, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết nhìn nhận: “Chưa phân định thật rõ tính đặc thù của chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo. Các đơn vị hành chính địa phương nhìn chung quy mô nhỏ, nhiều đơn vị không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định, nhất là cấp huyện, cấp xã. Số lượng, cơ cấu đại biểu dân cử chưa phù hợp, chất lượng còn hạn chế”(11).

Nghị quyết đề ra nhiệm vụ: “Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa trung ương và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm”(12) và “Tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế xây dựng chính quyền địa phương theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; chủ động thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện”(13). Nghị quyết nhấn mạnh việc “giảm hợp lý số lượng đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, giảm số lượng đại biểu hội đồng nhân dân công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước; giảm số lượng phó chủ tịch hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, gắn với việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, để thực hiện từ nhiệm kỳ 2021-2026”(14).

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết và kết luận của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy CQĐP thông qua các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Điều này bao gồm việc phân định rõ và tổ chức thực hiện mô hình chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; hoàn thành cơ bản việc sắp xếp, thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, thôn và tổ dân phố theo tiêu chuẩn quy định.

Đại hội XIII của Đảng nhất quán định hướng xây dựng và hoàn thiện CQĐP trên cơ sở các quan điểm, đường lối đã đề ra như: “quan tâm xây dựng chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn, khẩn trương triển khai xây dựng chính quyền điện tử”(15); “Tiếp tục hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo luật định; thực hiện và tổng kết việc thí điểm chính quyền đô thị nhằm xây dựng và vận hành các mô hình quản trị chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”(16).

Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 9-11-2022 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã bổ sung, phát triển và cụ thể hóa: “Hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, giảm cấp chính quyền phù hợp ở một số địa phương; xây dựng mô hình quản trị địa phương phù hợp với từng địa bàn, gắn với yêu cầu phát triển các vùng, khu kinh tế...”(17). Đồng thời, tiếp tục chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm quản lý thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Xuất phát từ cơ sở chính trị - pháp lý, việc tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của CQĐP ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay cần quán triệt các quan điểm sau:

Một là, xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của CQĐP trên cơ sở thể chế hóa kịp thời quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong tổ chức và hoạt động của CQĐP theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Phát huy vai trò của các cấp ủy đảng ở địa phương trong việc thể chế hóa kịp thời quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thành văn bản pháp luật phục vụ cho hoạt động quản lý, điều hành của các cấp CQĐP. Xây dựng cơ chế ban hành văn bản của cấp ủy đảng và HĐND, UBND, xác định rõ những vấn đề nào cần cấp ủy ra nghị quyết, những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND và quy định thời hạn HĐND, UBND ban hành văn bản sau khi cấp ủy có nghị quyết.

Nâng cao chất lượng sinh hoạt của cấp ủy đảng (chú trọng đến quan điểm chính trị trong các lĩnh vực mà tổ chức đảng có trách nhiệm lãnh đạo), “chất lượng các kỳ họp hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cần thể hiện tinh thần và trách nhiệm cao trong việc triển khai nghị quyết của cấp ủy đảng, phải đóng vai trò là cầu nối để đưa nghị quyết, chủ trương của cấp ủy vào cuộc sống”(18). Đồng thời, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: lãnh đạo bằng việc ban hành các nghị quyết, chỉ thị; thông qua công tác tổ chức, cán bộ; thông qua việc thường xuyên kiểm tra, giám sát; bằng công tác tư tưởng, vận động và nêu gương của đội ngũ đảng viên ở CQĐP. Trên cơ sở đó, bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với tiến trình tổ chức và hoạt động của CQĐP theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn.

Hai là, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của CQĐP bảo đảm quyền làm chủ của người dân, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân

“Tổ chức Nhà nước ta là đơn nhất, quyền lực nhà nước từ trung ương đến địa phương là thống nhất và tất cả đều thuộc vào nhân dân. Mối quan hệ quyền lực giữa trung ương và các cấp địa phương là cấp dưới phục tùng cấp trên, đồng thời là mối quan hệ phân công và phối hợp quyền lực nhà nước thông qua nguyên tắc phân quyền, phân cấp trong quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương”(19). Dân chủ ở nước ta không chỉ là mục tiêu mà còn là động lực cho quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Dân chủ là thước đo và trụ cột cho quản trị quốc gia theo hướng văn minh, hiện đại. Trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và CQĐP nói riêng, dân chủ được thực hiện thông qua pháp luật với các cơ chế như bầu cử, tính minh bạch, giải trình, giám sát xã hội, dân chủ trực tiếp và sự tham gia tích cực của nhân dân vào các hoạt động quản lý nhà nước của các cấp chính quyền địa phương.

Hoàn thiện tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương bảo đảm chính quyền các cấp hoạt động hiệu quả, góp phần bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tích cực tham gia các công việc của chính quyền địa phương. Tăng cường phân quyền, phân cấp cho chính quyền địa phương gắn với phát huy dân chủ, mở rộng sự tham gia của đại diện cộng đồng dân cư đối với CQĐP trong quá trình hình thành và giám sát việc thực hiện các chính sách, quyết định của CQĐP.

Có cơ chế phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân giám sát hoạt động của CQĐP bảo đảm hoạt động của CQĐP minh bạch, công khai. Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân, các thiết chế truyền thông và công dân đối với việc thực hiện nhiệm vụ của CQĐP các cấp. Tăng cường các hình thức dân chủ trực tiếp ở chính quyền cơ sở. “Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”(20); thực hiện tốt dân chủ cơ sở về những việc phải có sự tham gia của nhân dân với các mức độ khác nhau: những việc nhân dân quyết định, những việc nhân dân thảo luận, bàn bạc để chính quyền quyết định, những việc nhân dân cần biết, bảo đảm nhân dân được thụ hưởng các thành quả của sự phát triển ở địa phương.

Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính ở các cấp chính quyền, công khai các thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu HĐND và UBND các cấp, tăng cường đối thoại giữa các cấp CQĐP với nhân dân, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu tiến hành nhất thể hóa hai chức danh của Đảng và chính quyền ở những địa phương có đủ điều kiện

CQĐP cần tiếp tục quán triệt và có giải pháp thực hiện chủ trương: “Thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch Hội đồng nhân dân các cấp, bí thư cấp ủy là chủ tịch Ủy ban nhân dân, bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận ở những nơi có điều kiện”(21).

Việc nhất thể hóa hai chức danh là chủ trương trong quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu quả quản lý của CQĐP các cấp. Thực hiện tốt chủ trương này, một cán bộ sẽ đảm nhiệm hai chức danh (bên Đảng và chính quyền), từ đó việc quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng được nhanh chóng, hiệu quả hơn, hạn chế khâu trung gian trong thực hiện các nghị quyết. Bên cạnh đó, khắc phục được sự thiếu thống nhất trong nhận định, đánh giá tình hình, đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo giữa bí thư và chủ tịch HĐND, UBND, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; tạo điều kiện thuận lợi cho người đứng đầu CQĐP có nhiều cơ hội phát huy năng động, sáng tạo và “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, và dám hành động vì lợi ích chung”(22) để thực hiện thắng lợi các nghị quyết; đồng thời giảm biên chế cán bộ chủ trì trong hệ thống chính trị, gắn công tác xây dựng Đảng với củng cố, xây dựng các cấp CQĐP, khắc phục tình trạng “lấn sân”, bao biện, làm thay, hoặc tách rời, biệt lập giữa bí thư cấp ủy với chủ tịch HĐND, UBND cùng cấp(23).

Bốn là, xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của CQĐP gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước

“Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương”(24) Mỗi cấp chính quyền địa phương có những nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và nguồn lực tùy theo khả năng thực tế của địa phương để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Sự phân định ấy được thể hiện trên nguyên tắc cấp nào thực hiện hiệu quả nhất, phù hợp nhất thì giao cho cấp đó, việc phân cấp phải dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật nhằm bảo đảm phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mỗi cấp CQĐP, đồng thời xác định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm khi không hoàn thành nhiệm vụ.

Việc phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp CQĐP cần quan tâm đến yếu tố vùng, miền, đặc thù của các địa phương. Cùng với việc phân định thẩm quyền, phải làm rõ mối quan hệ giữa các cơ quan chính quyền trung ương và CQĐP, giữa các cấp chính quyền, giữa HĐND và UBND. Nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND và UBND các cấp, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp trong việc quyết định và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương trong phạm vi được phân cấp. Đồng thời, gắn với quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp CQĐP và phải “tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước”(25).

Thực hiện tốt việc phân quyền, phân cấp cho CQĐP sẽ giúp khắc phục được các vấn đề giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành; phân định rõ hơn về thẩm quyền và trách nhiệm của từng cấp CQĐP, từng ngành trong tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, công sở, công sản và thúc đẩy việc đổi mới, sắp xếp nhân sự hành chính, tổ chức bộ máy hành chính, cũng như hệ thống các đơn vị cơ sở trực thuộc các cơ quan hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Năm là, xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của CQĐP đáp ứng đòi hỏi và yêu cầu của quản trị địa phương ở Việt Nam trong bối cảnh mới

Quản trị địa phương phải hướng tới thúc đẩy quyền con người, quyền công dân, khuyến khích sự tham gia của người dân và mở rộng nền tảng dân chủ tại cơ sở. Việc đổi mới hoạt động của CQĐP phải đặt mục tiêu bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền tự do của người dân, đồng thời tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào các hoạt động của chính quyền một cách dân chủ. Cần tăng cường đối thoại và thúc đẩy các cơ chế phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành chính quyền địa phương là cần thiết, nhằm từng bước mở rộng và nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công tại địa phương.

Quản trị địa phương sẽ định hướng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương thông qua xác định tầm nhìn chiến lược, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển, trực tiếp quản lý các công việc của địa phương, khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của địa phương; tổ chức thực thi pháp luật, triển khai thực hiện các quyết định của cơ quan nhà nước cấp trên đối với địa phương, “phản ánh tâm tư nguyện vọng, lợi ích của nhân dân và tạo điều kiện để nhân dân có nhiều cơ hội tham gia vào công việc của chính quyền; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương, thực hiện công bằng và bình đẳng xã hội tại địa phương”(26).

Trong bối cảnh mới hiện nay, việc hoàn thiện tổ chức và hoạt động của CQĐP cần đáp ứng đòi hỏi và yêu cầu của quản trị địa phương và nhiệm vụ ưu tiên là: “thực hiện và tổng kết việc thí điểm chính quyền đô thị nhằm xây dựng và vận hành các mô hình quản trị chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”(27) trong thời gian tới.

Sáu là, xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của CQĐP trên cơ sở học tập kinh nghiệm nước ngoài; đáp ứng đòi hỏi, yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế

Trên thế giới hiện nay, về cơ bản có ba mô hình tổ chức CQĐP, đó là mô hình tập quyền, mô hình tản quyền và mô hình phân quyền. Mỗi mô hình đều có những ưu điểm và hạn chế. Kinh nghiệm cho thấy, có nhiều nước không áp dụng máy móc một mô hình có tính chất khuôn mẫu mà tùy thuộc vào điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội mà có mô hình riêng, phù hợp với mỗi giai đoạn lịch sử. Ở Việt Nam hiện nay, trong tổ chức các mô hình CQĐP phải giữ gìn những giá trị của mô hình CQĐP hiện có, tuy nhiên cần nghiên cứu, khai thác và kết hợp những giá trị của mô hình phân quyền và tản quyền, bảo đảm chính quyền địa phương ở mỗi mô hình (đô thị, nông thôn, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế), mỗi cấp hoạt động hiệu quả(28).

Hội nhập quốc tế đòi hỏi phải theo các chuẩn mực chung, phổ quát trên nhiều mặt liên quan đến vấn đề tổ chức quyền lực nhà nước, trong đó có tổ chức và hoạt động của CQĐP(29). Tổ chức và hoạt động của CQĐP trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đã tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm nước ngoài và có nhiều tiến bộ về tổ chức bộ máy CQĐP, như: về tự chủ địa phương; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; về phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp CQĐP; về phương thức vận hành quyền lực và cách thức kiểm soát quyền lực nhà nước của trung ương đối với CQĐP; về quản lý nhà nước ở địa phương,…

3. Kết luận

Tổ chức và hoạt động của CQĐP ở Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cải cách mạnh mẽ và dưới tác động to lớn của xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng, hoàn thiện tổ chức, hoạt động của CQĐP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Để thành công trong xây dựng và hoàn thiện tổ chức và hoạt động của CQĐP trong sạch, vững mạnh, kiện toàn tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của CQĐP các cấp một cách thiết thực, hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng trong bối cảnh hiện nay.

Tác giả bài viết: PGS, TS TRẦN QUANG HIỂN Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ThS TRẦN THỊ KIM ANH Học viện Hành chính quốc gia Theo Tạp chí Lý luận chính trị

Nguồn tin: tapchimattran.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

lich
vanban
dieuhanh
caicach
VAN KIEN DAI HÔI 22
TAI LIEU BAN TTND 2
DIEU LE KHOA IX CHA
luatmattran
hu
2016 11 19 104342
namtramy
qoffice
VĂN BẢN MỚI

43

Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của BCH Trung ương Đảng về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc

Thời gian đăng: 02/12/2023

lượt xem: 984 | lượt tải:250

Nghị quyết số 45-NQ/TW

Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của BCH Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và pháy huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu câu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới

Thời gian đăng: 02/12/2023

lượt xem: 1130 | lượt tải:207

26-CT/TW

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Thời gian đăng: 02/12/2023

lượt xem: 526 | lượt tải:168

76/KH-MTTQ-BTT

Kế hoạch thực hiện phong trào thi đua Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế huyện Nam Trà My 2023

Thời gian đăng: 21/02/2023

lượt xem: 914 | lượt tải:308

75/MTTQ-BTT

Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đối ngoại Nhân dân và người Việt Nam ở nước ngoài

Thời gian đăng: 21/02/2023

lượt xem: 960 | lượt tải:281

21/HD-MTTQ-BTT

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG, XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN NĂM 2023

Thời gian đăng: 16/02/2023

lượt xem: 923 | lượt tải:362

10/CTr-MTTQ-BTT

CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP VÀ THỐNG NHẤT HÀNH ĐỘNG CỦA ỦY BAN MTTQ VIỆT NAM HUYỆN NAM TRÀ MY NĂM 2023

Thời gian đăng: 13/02/2023

lượt xem: 923 | lượt tải:309

HD/21-MTTQ-BTT

HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC MẶT TRẬN THAM GIA XÂY DỰNG ĐẢNG, XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN NĂM 2023

Thời gian đăng: 13/02/2023

lượt xem: 1187 | lượt tải:439

Số 70 - KH/HU ngày 27.07.2022

Kế hoạch tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, xây dựng chương trình triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII của Đảng

Thời gian đăng: 04/08/2022

lượt xem: 2015 | lượt tải:812

Số: 1486/MTTQ - BTT ngày 22.07.2022

Về việc đề nghị phối hợp triển khai thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2022

Thời gian đăng: 22/07/2022

lượt xem: 1201 | lượt tải:307
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập10
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm9
  • Hôm nay1,525
  • Tháng hiện tại17,057
  • Tổng lượt truy cập1,061,636
PHÓNG SỰ - VIDEO
GIẤY MỜI

Số: 16 - CV/BTGHU ngày 14.03.2022

Mời dự hội nghị Báo cáo viên Tỉnh ủy trực tuyến tháng 3 năm 2022

Thời gian đăng: 14/03/2022

lượt xem: 1700 | lượt tải:341

Số: 34/ GM - UBND ngày 18.02.2022

Dự Gặp mặt báo chí đầu xuân Nhâm Dần 2022

Thời gian đăng: 01/03/2022

lượt xem: 1752 | lượt tải:368
doanket1
thanhcong
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây